2014: FDI và các bước đi tiếp

23/12/2016  
24

Từ đó cho thấy, việc “tập trung để tìm các giải pháp khắc phục, ngăn chặn các mặt trái của FDI” là cần thiết trong các bước đi tiếp theo trong thu hút, sử dụng nguồn vốn tư nhân nước ngoài không dễ quản lý và phức tạp này trong giai đoạn tới. Đó là đánh giá ngắn gọn về đóng góp của FDI 2014 đối với kinh tế Việt Nam 2014 tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI (3/2013).

Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT về FDI 2014: Vốn thực hiện đạt 12,35 tỷ USD (tăng 7,4% so 11,5 tỷ USD 2013); vốn đăng ký (cả cấp mới và tăng vốn) đạt 20,2 tỷ USD (giảm 9,4% so 22,3 tỷ 2013).

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vốn FDI thực hiện trong 2014 có thể coi là một điểm sáng kinh tế 2014 khi đạt mức cao hơn 2013.

Đóng góp vào GDP

Giá trị xuất khẩu khu vực FDI 2014 (kể cả dầu thô) đạt 101,5 tỷ USD chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu, tăng 25,6% so 2013. Xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt 94,4 tỷ USD tăng 16,7% so 2013. Như vậy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu khu vực FDI luôn chiếm tỷ lệ trên 65%.

Nhập khẩu khu vực FDI 2014 đạt 84,5 tỷ USD tăng 13,6% so 2013, chiếm 57% tăng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 2014, khu vực FDI xuất siêu 17,03 tỷ USD. Qua đó cho thấy FDI đã có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam 2014, tiếp tục là điểm sáng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua.

Các đóng góp của FDI 2014 đối với kinh tế Việt Nam đã tiếp tục chứng minh vai trò tích cực của FDI trong quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam.

Nằm trong khung đánh giá chung về đóng góp của FDI trong hơn 26 năm qua và đến nay là: chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 45% giá trị sản xuất; 65% giá trị xuất khẩu; 20% GDP (tăng từ 2% trong 1992); 20% thu ngân sách.

Đóng góp nêu trên của FDI đối với nền kinh tế thực sự là không nhỏ và để nâng cao hơn nữa hiệu quả toàn diện của nó trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc xử lý được sớm, ngăn chặn được ngay các mặt trái của FDI,… sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng FDI trong 2015 và các năm tiếp theo.

Mức độ hiệu quả

Một số các doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhiều năm liền dẫn tới những câu hỏi về hiệu quả của các doanh nghiệp FDI cũng như hiệu quả của nguồn vốn này. Những doanh nghiệp lỗ đã hạn chế mức đóng góp các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Ngân sách Nhà nước.

Còn nhiều các doanh nghiệp FDI lỗ và kể cả một số doanh nghiệp khác có quy mô đầu tư lớn, mới thoát lỗ trong một vài năm gần đây còn đặt ra các nghi ngại về khả năng chuyển giá và tránh thuế của các doanh nghiệp này.

Tồn tại này có thể khắc phục được ngay hay không; làm thế nào để tìm ra được giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế khi xử lý các nghi ngại về chuyển giá… điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quản lý của các cơ quan quản lý tài chính - thuế ở cả Trung ương và địa phương đối với các doanh nghiệp FDI, phụ thuộc vào việc phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính - thuế với các cơ quan đầu tư, xuất nhập khẩu và hải quan…

Sau hơn 26 năm thu hút, sử dụng FDI, tuy khu vực FDI chiếm tới 45% giá trị sản xuất và luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chưa ra khỏi nấc thang khá thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành, lĩnh vực còn rất thấp.

Một dẫn chứng gần đây nhất khi Bộ Công Thương công bố danh mục 144 linh kiện, phụ kiện do Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như SamSung, Canon… lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đặt ra sự hoài nghi về mục tiêu thu hút FDI để đổi mới và tăng cường chuyển giao công nghệ vẫn chưa đạt được.

Hiện tượng này hiện tồn tại bởi nhiều nguyên nhân như từ chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ năng lực thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam (thiếu vốn, khó có khả năng đầu tư sâu đạt mức công nghệ đòi hỏi, nguồn nhân lực yếu…)… nhưng đơn giản có thể thấy ngay một nguyên nhân khác khi sự liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng giãn ra thông qua hình thức đầu tư.

Hiện nay, theo lũy kế, hình thức đầu tư doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (80%) trong khi hình thức doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm 20%. Tỷ lệ tương ứng về hình thức đầu tư trong 2014 là: doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 89,8%; doanh nghiệp liên doanh 10,2%.

Các giải pháp về khuyến khích FDI đầu tư theo hình thức doanh nghiệp liên doanh cần được chú ý trong giai đoạn tới, đặc biệt cần được xác định ngay trong danh mục các dự án quốc gia và của từng địa phương kêu gọi vốn FDI.

Vẫn còn mặt trái

Tăng cường năng lực công nghệ từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tiếp nhận FDI, nhưng hiện nay các ngành, lĩnh vực thu hút FDI công nghệ cao còn rất ít, trong khi các ngành thu hút FDI có hàm lượng chất xám thấp, ít hiệu quả, sử dụng nhiều lao động… đang chiếm tỷ trọng lớn.

Điều cần nói thêm ở đây là ngay cả đối với các dự án có công nghệ cao như của SamSung, Canon, Intel… thì các doanh nghiệp Việt Nam, như phân tích ở trên, chỉ tham gia vào được các khâu gia công phụ kiện đơn giản, còn các linh kiện thiết yếu, đặc biệt là các bộ phận liên quan đến công nghệ nguồn chưa biết bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam mới tiếp nhận được.

Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có các chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ nguồn mới tạo ra được các sản phẩm mang thương hiệu Việt, để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa đã đặt ra.

Thông qua FDI vẫn còn máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu đã qua sử dụng không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật vào Việt Nam, làm tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Còn các doanh nghiệp FDI vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ môi trường, như xả thải trực tiếp ra các nguồn nước (tuy đã có bài học VEDAN được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước).

Còn khá nhiều các dự án FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm hoặc chưa triển khai sau nhiều năm được cấp phép đã dẫn đến việc buộc nhiều UBND các địa phương phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư (như 3 dự án điện gió tại Ninh Thuận), thậm chí có doanh nghiệp đầu tư dở dang còn bỏ trốn… để lại các hậu quả nặng nề tại các địa bàn nơi đầu tư.

Còn có sự tự nguyện ra đi của các nhà đầu tư tiềm năng do nhiều nguyên nhân khác nhau (như Tập đoàn Thép JFE Nhật Bản từ bỏ kế hoạch đầu tư vào nhà máy Thép Guang Lian tại Khu kinh tế Dung Quất);…

Với toàn cảnh bức tranh FDI 2014 được phác họa với một số nét nêu trên cho thấy năm 2015 chưa thể khắc phục hết các mặt trái của FDI và việc khắc phục các mặt trái này nhanh hay chậm phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên từng địa bàn và đối với từng lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến FDI, trong đó đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà nước có vai trò quyết định trong thành - bại của việc khắc phục này.

Ts. Phan Hữu Thắng

: