Dự báo kinh tế trong nước tháng 12 tiếp tục diễn biến tích cực

2/12/2019  
32

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế trong nước trong tháng 12 được dự báo tiếp tục diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, thương mại, tiêu dùng, du lịch dự báo sẽ tăng cao do là tháng cuối cùng của năm và có các kỳ nghỉ lễ lớn của quốc tế như lễ giáng sinh, tết dương lịch...

Dự báo kinh tế trong nước tháng 12 tiếp tục diễn biến tích cực Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, cần thận trọng, không thể chủ quan với những rủi ro, bất định từ kinh tế thế giới và những khó khăn, thách thức có thể tác động đến những thành quả mà nền kinh tế đã đạt được, đặc biệt áp lực lạm phát có thể gia tăng vào tháng cuối năm, mưa bão có thể vẫn xuất hiện ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, nhất là các bệnh mùa đông… đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2019 đã đề ra.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Đăng ký doanh nghiệp 11 tháng, cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 27,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 22%. Tình hình sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa có nhiều chuyển biến, đến nay mới có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng; nguyên nhân chủ yếu do: chậm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa.

Trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị kế hoạch năm 2020, các ngành, các cấp đang tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019, đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, khẩn trương xây dựng Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020. Trên tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận các biện pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, xăng dầu, vật liệu xây dựng để kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán. Tích cực triển khai xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch do tháng 12 là tháng cao điểm du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung thực hiện tốt công tác vận tải, lữ hành, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, nhất là vào những dịp nghỉ lễ sắp tới.

Theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước, chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường các hoạt động kiểm soát xuất nhập khẩu, tránh tình trạng lợi dụng Việt Nam là thị trường trung chuyển để xuất khẩu sang nước thứ ba. Khẩn trương triển khai và xây dựng các văn bản hướng dẫn các luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 8; triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12; Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, trong đó tập trung hoàn thành công tác giao kế hoạch năm 2020 trước 31/12/2019, xây dựng các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung chỉ đạo chủ đầu tư chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; khẩn trương rà soát kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn những dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt./.

: