Giải mã dòng vốn FDI chảy mạnh vào các tỉnh phía Nam

23/12/2016  
57
Trong năm 2014, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vượt khá xa so với kế hoạch đề ra. Một điểm chung tại các địa phương này là, FDI tăng cao ở các dự án tăng vốn và trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm qua, tỉnh đã thu hút hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI, gần gấp đôi mục tiêu đề ra là 900 triệu USD. “Vốn FDI vào Đồng Nai trong năm qua phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh như các dự án công nghệ cao, dự án thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ...”, bà Thu nói và cho biết, các dự án FDI tăng vốn trong năm qua chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư. Cũng theo bà Thu, một trong những nguyên nhân thu hút vốn đầu tư tăng cao là nhờ tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan; cũng như việc xúc tiến đầu tư hướng vào những quốc gia có nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc… Giải mã dòng vốn FDI chảy mạnh vào các tỉnh phía Nam  

Vốn FDI tăng cao tại các tỉnh phía Nam do môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, cũng như có chiến lược xúc tiến đầu tư bài bản

Trong khi đó, vốn FDI vào tỉnh Bình Dương trong năm qua đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng khá cao so với kế hoạch 1 tỷ USD, với 151 dự án đầu tư mới (vốn đầu tư đăng ký 812 triệu USD) và 126 dự án tăng vốn (tổng số vốn tăng thêm 843 triệu USD). Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong năm qua, mặc dù tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của việc gây rối, đập phá doanh nghiệp xảy ra hồi tháng 5/2014, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng và triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư, như công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản… Năm qua, Bình Dương đã thu hút một số dự án đầu tư mới có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, trong đó tập trung nhiều trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, Dự án của Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile có vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD, xây dựng trên diện tích 12 ha, giai đoạn I có công suất 36 triệu mét vải/năm… Cũng như Đồng Nai, trong năm 2014, nhiều dự án FDI tại Bình Dương đã tăng vốn đầu tư. Chẳng hạn, Dự án của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương đã tăng vốn thêm 10 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên hơn 142 triệu USD. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Poong In Vina (Hàn Quốc) dù chỉ tăng vốn thêm 2 triệu USD, nhưng đây là lần thứ 5, doanh nghiệp này tăng vốn để mở rộng sản xuất trong lĩnh vực may mặc. Năm 2014, TP.HCM có sự bứt phá ngoạn mục trong thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD. Đáng chú ý là, sau gần 10 năm, TP.HCM lại có thêm một dự án tỷ USD. Đó là Dự án của Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), với vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD. Nhìn chung, tại TP.HCM, các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, vốn FDI thu hút vào SHTP đạt hơn 1,9 tỷ USD; vốn thu hút vào các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt hơn 700 triệu USD. TP.HCM đã lần đầu tiên có một khu công nghiệp dành riêng cho các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là việc khánh thành giai đoạn I, Khu kỹ nghệ Việt - Nhật (tại Khu công nghiệp Hiệp Phước) vào tháng 12/2014. Tổng mức đầu tư của dự án này là 31 triệu USD và đã có 2 doanh nghiệp đến thuê nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, máy móc để sản xuất. Trong năm 2015, các địa phương nói trên xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách các thủ tục hành chính; hoàn thiện các cở sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Trong thu hút FDI, trọng tâm xúc tiến đầu tư là các dự án sử dụng công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông… Các địa phương cũng đề ra kế hoạch xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ở châu Âu.  

Theo Báo Đầu tư

: