Mục tiêu 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 hoàn toàn khả thi

3/3/2022  
34
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc đi đúng hướng trong phòng chống dịch và dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, triển vọng năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21- 22 tỷ USD vốn thực hiện là có thể đạt được.

Mục tiêu 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 hoàn toàn khả thi

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, hoạt động đầu tư trên toàn cầu vừa trải qua một năm đầy biến động, ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút 31,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2021, cũng như những tín hiệu đáng mừng từ các dự án FDI “khủng” ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2022?

Năm 2021 được coi là một năm khá thành công của Việt Nam trong thu hút vốn FDI khi trong năm 2021 Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều đợt dịch Covid-19 tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương… Nhưng qua những hành động quyết liệt của Chính phủ cũng như những thay đổi chiến lược về chống dịch đã tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ đã có những buổi tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài để tháo gỡ các khó khăn, nhờ đó năm 2021, Việt Nam đã lọt top 20 các nước thu hút vốn FDI cao trên thế giới.

Đáng chú ý, việc Việt Nam đi đúng hướng trong phòng chống dịch khi chuyển từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội đã giúp Việt Nam ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI ngay từ đầu năm 2022, kỳ vọng một năm tiếp tục khởi sắc với dòng vốn quan trọng này. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều dự án FDI lớn nhất đã "xông đất" ngay từ đầu năm Nhâm Dần 2022 tại các tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên...

Với mục tiêu thu hút 40 tỷ vốn FDI trong năm 2022, ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2022?

Tôi cho rằng, mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Ngoài những nguyên nhân cơ bản như hệ thống chính trị ổn định, hạ tầng được cải thiện, các chính sách đầu tư cũng có cải thiện đáng kể cũng còn một số lý do giúp Việt Nam “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi tình hình chung các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thứ nhất đó là khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như của hệ thống chính trị, của Chính phủ khi điều hành nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ hai là việc Việt Nam đang bắt kịp và thích ứng rất nhanh khi tham gia chuyển đổi số, bắt kịp thời đại. Covid-19 là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng thu hút nguồn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Hiện nay Việt Nam đang phát triển mạng 5G, đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số của Việt Nam. Khi đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và có bứt phá thì trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ có những bước nhảy vọt, qua đó thu hút FDI tốt hơn.

Một điều nữa từng được nói rất nhiều nhưng đã được bộc lộ rất rõ trong đại dịch chính là việc Chính phủ Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam đã đặt trọng tâm một trong những động lực phát triển kinh tế Việt Nam là thu hút đầu tư FDI. Vì vậy, khi động lực này có sự lung lay hay gặp khó khăn thách thức thì ngay lập tức hệ thống chính trị cũng như các cấp các ngành có sự can thiệp, hỗ trợ. Đây là những yếu tố tuy không mới nhưng khi bị dịch Covid-19 gây xáo trộn, cản trở thì những yếu tố trên đã bộc lộc rất rõ, minh chứng cho điểm mạnh của Việt Nam và các nhà đầu tư FDI cũng nhận thức rất rõ được điều này. Từ đó có thể thấy, thu hút FDI trong năm 2022 chắc chắn sẽ khởi sắc.

Theo ông, để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2022, và sau năm 2022 chúng ta sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư FDI có chất lượng hơn nữa, chúng ta sẽ cần làm gì và phải khắc phục được những “nút thắt” nào?

Điều này đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thu hút vốn FDI chúng ta cũng cần tìm ra những “yếu điểm” trong thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam. Thứ nhất, thu hút đầu tư FDI từ các nước phát triển như EU, Mỹ, Pháp… còn thấp. Chúng ta mới chỉ thu hút được vốn FDI từ các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Còn đối với những thị trường mới vẫn còn thấp. Để khắc phục được điều này chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực.

Về cải thiện môi trường đầu tư cũng cần cải thiện, nhất là về nguồn nhân lực. Cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới và đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu chúng ta không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển.

Về chính sách chúng ta cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Và đặc biệt sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo, hậu quả của nó là làm giảm tính lan toả của nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà đầu tư trong nước cũng như công nghiệp phụ trợ chưa được phát triển nên giá trị gia tăng cũng như hiệu quả của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thấp.

Bên cạnh đó là thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: HQ Online

 

: