Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

13/1/2021  
66
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.  Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội; doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố khó khăn và thuận lợi đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, tác động sâu rộng đến sự phát triển của các quốc gia. Đặc biệt, vào năm 2020 - năm cuối giai đoạn kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn cầu với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới cục diện kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực. Bối cảnh đó đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, ngành công thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu.

Trong đó, ngành công thương đã tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời dưới tác động của dịch COVID-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân. Về thị trường thương mại điện tử, vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.

Dự kiến năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu. Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

 

: