Du lịch xanh là sản phẩm du lịch khá ‘hot’ để thu hút du khách

15/8/2019  
22

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho rằng, du lịch xanh là giải pháp hiệu quả để duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm sức ép khai thác các nguồn lợi tự nhiên... Du lịch xanh là sản phẩm du lịch khá ‘hot’ để thu hút du khách Ông Huỳnh Tấn Vinh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng Thưa ông, thời gian gần đây, khái niệm du lịch xanh được đề cập rất nhiều, dần trở nên phổ biến đối với du lịch quốc tế, nhưng đây cũng là khái niệm khá mới ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch xanh của Việt Nam? Ông Huỳnh Tấn Vinh: Du lịch xanh là hình thức du lịch theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa, xã hội, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và các sản phẩm thân thiện môi trường, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, truyền thống.

 
[Gặp gỡ thứ Tư] Người hùng Huỳnh Tấn Vinh kể về cuộc chiến bảo vệ bán đảo Sơn Trà

Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng du lịch. Việt Nam có sự đa dạng sinh học khá cao, cũng như các hệ sinh thái đặc trưng như: Hệ sinh thái san hô (khá giàu về thành phần loài);  Hệ sinh thái đất ngập nước như  hệ sinh thái ngập mặn ven đồng bằng sông Cửu Long; Hệ sinh thái rừng nhiệt đới…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có 54 dân tộc anh em, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc vùng miền núi phía Bắc, dân tộc cao nguyên miền Trung hay dân tộc Chăm khu vực phía Nam. Chúng ta cũng có nhiều làng nghề văn hóa, truyền thống với nhiều lễ hội và nét văn hóa rất độc đáo. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch xanh

Theo ông, Du lịch xanh liệu có cần thiết? Du lịch xanh sẽ mang lại tác động tích cực như thế nào đối với phát triển du lịch Việt Nam? Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tất cả các ngành nghề kinh tế, dù ít hay nhiều đều gây tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa… phát triển du lịch cũng như vậy. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình mỗi năm khoảng 30%. Ngành lịch Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn và còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Du khách ồ ạt đến Việt Nam, kích thích hàng loạt các nhà hàng và khách sạn mở ra, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế ăn theo. Du khách đến Việt Nam, không chỉ mang theo lợi ích kinh tế, sự trao đổi học hỏi văn hóa mới mà còn  mang theo hàng tấn rác thải sinh hoạt, gây sức ép nặng nề lên thiên nhiên, và những ảnh hưởng về văn hóa không phải cái nào cũng tân tiến, hội nhập. Về lâu dài, chúng ta còn lại gì để tiếp tục thu hút du khách quay trở lại sau khi thiên nhiên, văn hóa bản sắc bị phá hủy.

Bài liên quan
[Gặp gỡ thứ Tư] Người hùng Huỳnh Tấn Vinh kể về cuộc chiến bảo vệ bán đảo Sơn Trà

Nếu chỉ có quan tâm đến lợi ích kinh tế trong ngắn hạn mà bất chấp tất cả hệ hụy về môi trường, về thiên nhiên, về văn hóa, chúng ta không chỉ đang giết chết ngành du lịch mà còn giết chết cả thế hệ tương lai. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Tác động tích cực của du lịch xanh không chỉ là đa dạng hóa loại hình du lịch, một sản phẩm du lịch khá “hot” để thu hút du khách.

Mà du lịch xanh hay nói khác đi là du lịch bền vững là giải pháp hiệu quả để duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm sức ép khai thác các nguồn lợi tự nhiên vì phục vụ nhu cầu của du khách. Không chỉ góp phần giảm thiểu gánh nặng lên thiên nhiên mà du lịch xanh cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế, tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân địa phương, nhất là các cư dân vùng sâu, vùng xa – nơi có các khu bảo tồn thiên nhiên, các làng nghề truyền thống hoặc các dân tộc ít người. Phát triển xanh, phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội thì Việt Nam mới trở thành điểm đến hấp dẫn lâu dài với du khách.

Vậy Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nào trong phát triển du lịch xanh?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Việt Nam mới còn là loại hình du lịch mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng sản phẩm và tổ chức quản lý. Nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch loay hoay trong việc xây dưng, thiết kế các sản phẩm xanh như du lịch cộng đồng homestay ở các tỉnh phía miền núi phía Bắc, du lịch nhà vườn ở Huế, các tour tắm rừng, miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long.. Khách quan mà nói, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm du lịch xanh phong phú, thật sự hấp dẫn, có chất lượng.

Dịch vụ du lịch xanh thành công nhất hiện nay, cũng được nhiều du khách quốc tế biết đến là tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ngoài ra, Chính phủ còn thiếu quy hoạch chi tiết, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Nhà nước nên có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xanh không riêng gì du lịch mà cả các ngành công nghiệp sản xuất dịch vụ. Quan trọng nhất, nhận thức vể việc phát triển du lịch xanh chưa đầy đủ. Chúng ta, cả doanh nghiệp và người dân địa phương vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong du lịch cũng như kinh tế của đất nước.

Trong phát triển du lịch, nhân lực luôn là vấn đề sống còn cho sự phát triển. Vậy điều gì cần lưu ý trong việc chuẩn bị nhân lực cho phát triển du lịch xanh?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Khác với các hình thức du lịch khác, đặc thù của các sản phẩm du lịch xanh là khuyến khích du khách trải nghiệm gần hơn với thiên nhiên với văn hóa. Vì vậy, rất cần sự tham gia của  người dân địa phương, người dân tộc thiểu số hiểu rõ các văn hóa bản địa, hiểu rõ địa lý thiên nhiên, hiểu rõ làng nghề. Không chỉ riêng về đào tạo trình độ, tác phong, ngoại ngữ mà hơn hết là đào tạo về tư duy ý thức. Bản thân nhân lực địa phương tham gia du lịch xanh phải hiểu rõ tầm quan trọng của 2 chữ “bảo tồn”. Có thể là bảo tồn thiên nhiên, đa dạng hóa sinh học cũng có thể là bảo tồn văn hóa, tập tục truyền thống của người dân bản địa. Bảo tồn là yếu tố sống còn, kiên quyết và là điểm tạo nên sự khác biệt lớn nhất để thu hút du khách tham gia trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh. Làm sao để thay đổi quan niệm phá rừng để đi làm kinh tế, hay từ bỏ ngành nghề cha ông truyền thống không còn được nhiều người sử dụng … mà phải duy trì, phát triển nó để thu hút du khách.

Xin cảm ơn ông! VĂN DŨNG

: