Khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác phát triển công nghiệp VLXD khối RCEP

19/3/2024  
68
(Vafie) - Hội chợ triển lãm Vật liệu xây dựng miền trung Trung Quốc lần thứ 16 diễn ra từ ngày 16-18/3 đi kèm chương trình "Diễn đàn cấp cao hợp tác phát triển công nghiệp VLXD khối RCEP" và "Hội nghị giao thương B2B giữa Suppliers Trung Quốc và Buyers Việt Nam".

Các đại biểu ấn nút khai mạc Hội chợ Triển lãm. Ảnh: BT

Phát biểu tại Diễn đàn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại thông tin khái quát tình hình kinh tế Việt Nam những năm qua và một số định hướng chính sách lớn thời gian tới.

Chủ tịch VAFIE cho biết, GDP Việt Nam năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP/người đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. 

Năm 2023, Vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1%; Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 355,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD; xuất siêu 28 tỷ USD ( năm 2022 xuất siêu 12 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 53 tỷ USD, xuất siêu khoảng 11 tỷ USD.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, tình hình kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu 2024 có những tín hiệu tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,7%; vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7%; thu ngân sách Nhà nước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán năm và tăng 10,4%; chi ngân sách Nhà nước ước đạt 260,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán năm và tăng 7,7% so với cùng ký năm trước. CPI tăng 3,67%; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đề ra việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế số, doanh nghiệp số và xã hội số, đòi hỏi phải đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI theo hướng chọn lọc nghiêm túc hơn, không những coi trọng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội của khu vực kinh tế FDI đã được đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch VAFIE thông tin thêm, theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.

Có khoảng 0,2% trong khoảng 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ; mỗi năm phải nhập khẩu hàng trăm tỷ USD linh phụ kiện, riêng ngành điện tử và ô tô đã lên tới 50-60 tỷ USD/năm.

Tuy vậy, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, vẫn có một số điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó ghi nhận xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nước thứ ba, giúp tăng thêm nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), có khoảng 5 - 10% doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí và khuôn nhựa đang là nhà cung cấp cấp I, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền mới, hoặc mở nhà máy mới trong 2 năm qua. Khảo sát của VASI cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng tốt cơ hội do dịch Covid-19 mang lại và cho rằng trong thời gian tới, họ sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều sẵn sàng nguồn lực và phương án tài chính để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Khuyến nghị giải pháp

Để góp phần vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, GS-TSKH. Nguyễn Mại đánh giá, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần phấn đấu đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp cả nước.

Theo đó, Nhà nước đóng vai trò xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Các địa phương cần bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Quan tâm đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ngoài ra, tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài; được cho là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hội nhập toàn cầu.

Tuân thủ và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phụ trợ để tạo uy tín, chất lượng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc tham gia các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

: