Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

12/12/2019  
24

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam

Cuộc tọa đàm do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu...

Sáng 12/12, tại Hội trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tầng 1, nhà 7 tầng, 65 Văn Miếu - Đống Đa, HN) Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”.

Thành công đã làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết 60 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, lớn mạnh cùng đất nước; những người lao động dầu khí qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng cháy bỏng làm giàu cho Tổ quốc đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lao động bền bỉ, sáng tạo… và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xây dựng được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện đại và đồng bộ, giữ vị trí hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Theo ông, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, trong số nhiều thành công đó có 8 thành tựu to lớn, nổi bật, làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam.

Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Đặc biệt đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới. Hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí đã chuyển đổi thành công từ hoạt động theo mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước từ tháng 8/2006; hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và hiện đang từng bước triển khai cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỷ USD.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; nâng cao uy tín và thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế; góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có gần 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Trong đó, trên 5.500 người có trình độ trên đại học; trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng; trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Nhiều chuyên gia uy tín về thương hiệu tại cuộc tọa đàm. Ảnh Trọng Hiếu

Tập đoàn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí thời gian qua, Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.

Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hằng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng. Từ những kết quả, thành tích đạt được, hàng ngàn lượt tập thể và hàng chục ngàn lượt cá nhân đã được tặng thưởng huân - huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen các loại và nhiều danh hiệu thi đua các cấp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hùng Dũng thông tin dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tạo sự đồng thuận của người lao động Dầu khí, năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục hoàn thành vượt mức các kế hoạch đặt ra.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 710.000 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt gần 100.000 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm. Hệ số bảo toàn vốn đạt 1,01 lần, đảm bảo an toàn và phát triển. Hơn nửa thế kỷ qua, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước.

Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình năm 1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986, đến nay Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài.

Thành viên HĐTV cũng cho biết hiện nay, thực hiện Nghị quyết 41 NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với quan điểm, mục tiêu xây dựng PVN thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh của Việt Nam và khu vực, là hình mẫu doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, thể hiện là một trong những trụ cột chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Tập đoàn sẽ tập trung rà soát các chiến lược, kế hoạch dài hạn, xác định mục tiêu rõ ràng; hoàn thiện đề án chiến lược về nguồn nhân lực; chiến lược về tài chính; kiện toàn hệ thống quản trị về đầu tư; đánh giá hiệu quả quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; đầu tư và khoa học công nghệ; kiểm soát rủi ro và xây dựng có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp.

Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt “khoảng lặng” giai đoạn 2015 - 2017 đã ảnh hưởng không ít tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của tập đoàn và một số đơn vị thành viên, đồng thời gây thiệt hại vật chất bằng tiền không nhỏ thông qua giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài sản của doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước.

Chính vì lẽ đó, việc củng cố và phát triển thương hiệu (gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.

“Tại tọa đàm hôm nay, tôi đề nghị các doanh nghiệp tích cực thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và mong nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia về các giải pháp nhằm củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành Dầu khí”, ông Dũng nói.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN: “Thương hiệu là yếu tố sống còn của các tập đoàn kinh tế”

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh Trọng Hiếu

Mặc dù đang trong giai đoạn cấm vận nhưng do tiềm năng dầu khí tại Việt Nam được các tập đoàn lớn như BPP; BHP; SHELL đánh giá cao nên đã tham gia các gói thầu theo hợp đồng kinh doanh với Petro Việt Nam, mở ra triển vọng xây dựng ngành dầu khí nước ta theo một hướng hiện đại.

Thông qua sự hợp tác với các tập đoàn lớn về dầu khí của thế giới, Petro Việt Nam đã từng bước phát triển trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, trong bối cảnh tình hình khó khăn nhưng nhờ chỉ đạo Chính phủ, Petro Việt Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận, đẩy mạnh việc bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của tập đoàn.

Tại cuộc tòa đàm hôm nay, tôi muốn nêu 1 vài ý tưởng, đó là thương hiệu là tài sản, là yếu tố sống còn của các tập đoàn kinh tế. Petro Việt Nam. Bên cạnh đó, việc làm gì để có thương hiệu mạnh phải trở thành nội dung quan trọng nhất của các tập đoàn kinh tế trong đó có Petro Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp phải lấy con người làm trọng, đó là sự sáng tạo, đổi mới của lãnh đạo, giám đốc điều hành, sự tham gia và hoạt động đổi mới sáng tạo của những người lao động.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn, trong gần 35 năm qua, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc Đổi mới, ngành dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Ngành dầu khí với tiềm năng to lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật khá hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn có khả năng để tiếp tục đóng vai trò là ngành công nghiệp đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thập kỷ tới. Điều đó đỏi hỏi các doanh nghiệp ngành dầu khí phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo dựng được thương hiệu mạnh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia cũng như của các doanh nghiệp thành viên.

"Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ", TS.Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chuyên gia thương hiệu uy tín và đại diện các cơ quan báo chí. Ảnh Trọng Hiếu

Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các công ty thành viên của tập đoàn.

Tọa đàm được tường thuật trực tuyến trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, đồng thời thông tin tại tọa đàm sẽ được chuyển tải rộng rãi đến cộng đồng độc giả trên các báo, đài truyền hình Trung ương và địa phương.

Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Cuộc tọa đàm được chia thành 3 phiên. Phiên khai mạc gồm phát biểu của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và phát biểu chào mừng của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN -cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư.

Phiên 2 là tham luận của các chuyên gia về thương hiệu và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phiên 3 sẽ được dành cho thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo PVN và các doanh nghiệp thành viên.

(Nguồn Nhàđầutư)

: