Mối quan hệ Việt - Mỹ, thời cơ lớn cho doanh nghiệp Việt

19/11/2023  
60
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được coi là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường, thụ hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi... Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) về vấn đề này.

Mối quan hệ Việt - Mỹ, thời cơ lớn cho doanh nghiệp Việt

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông, các doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng tốt các cơ hội từ khi Việt Nam gia nhập APEC hay chưa?

- Việc gia nhập APEC từ năm 1998 đã giúp Việt Nam hội nhập với kinh tế quốc tế một cách sâu sắc và toàn diện. Thành quả đó bắt đầu từ cả quá trình, từ việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ cho đến gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trở thành một thành viên của APEC là bước đệm để Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Từ khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chúng ta chỉ có 452 triệu USD thương mại hai chiều. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vị thế của Việt Nam đã khác khi trở thành đối tác lớn nhất của Mỹ trong khối ASEAN, vượt qua cả Singapore và Thái Lan.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng hiện nay, thưa ông?

- Nếu nhìn vào thời điểm Việt Nam tham gia APEC, kim ngạch thương mại của chúng ta chỉ khoảng 1 tỉ USD. Song, hiện tại dự kiến sẽ đạt khoảng 680 tỉ USD. Kim ngạch thương mại của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng rất nhanh. Một số tập đoàn kinh tế lớn được hưởng lợi không chỉ từ quan hệ thương mại và còn cả quan hệ đầu tư. Chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin, Viettel thay vì cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới, họ chọn vào ngạch bình dân, đi vào chuỗi cung ứng cho những người thu nhập thấp và thu nhập trung bình và đã thành công. VinGroup hiện đã có được bước đi đầu tiên ở thị trường Mỹ. Nước ta có đến hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số đó, khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là lực lượng có thể đóng vai trò đối tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn Samsung đang có khoảng 300 vendor từ cấp 1 đến cấp 3. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dần lớn lên và bắt kịp yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt đầu vươn ra thế giới, sẽ kéo theo một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, không nước nào có thể đi tắt đón đầu theo kiểu nhảy vọt và chúng ta không phải là ngoại lệ. Chúng ta cần hỗ trợ để nâng dần quy mô của các tập đoàn lớn.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ cần được hỗ trợ tốt như tín dụng ưu đãi để nâng dần quy mô, tiếp thu các công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị doanh nghiệp theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số theo đúng chủ trương của Nhà nước. Theo nhận định của ông, việc tham dự tuần lễ APEC 2023 của phái đoàn Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội mới nào cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới? - Chuyến thăm gần đây của ông Biden đến Việt Nam được chính Tổng thống Mỹ đánh giá là một chuyến thăm lịch sử, mở ra cơ hội hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngay sau sự kiện này, các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã cam kết sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Hiện, đầu tư từ Mỹ đang đứng thứ 11 ở Việt Nam. Nếu chúng ta tính đúng, tính đủ, lượng đầu tư có thể tăng lên gấp 3 lần. Trong tương lai, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều thỏa thuận được đàm phán được ký kết giữa hai nước. Trong giai đoạn 2024-2025, mối quan hệ sẽ còn phát triển nhanh chóng hơn. Tất nhiên, cơ hội lớn đi kèm nhiều thách thức. Chúng ta cần phải nhanh chóng cải cách, tự đáp ứng chất lượng, đòi hỏi của các tập đoàn kinh tế lớn để có thể thu hút đầu tư có chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Một thế mạnh khác, Việt Nam đang có lượng đất hiếm và vonfram lớn, qua đó có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là thời cơ rất lớn. Xin cảm ơn ông!

Nguồn: laodong.vn

: