Thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt: 'Chúng ta cần gì ở ngành rượu, bia?'

20/8/2023  
118
Trên đây là câu hỏi của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khi góp ý về những thay đổi chính sách thuế với ngành rượu, bia, nước giải khát.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Rượu bia có cần được phát triển?

Phát biểu tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia diễn ra mới đây, đại diện hãng bia Carlsberg cho biết, ngành bia rượu dường như chịu nhiều thiệt thòi dù cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh và biến động kinh tế thế giới. Trong khi các sản phẩm, dịch vụ khác nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế, miễn tiền thuê đất, giãn hoãn nợ thì ngược lại ngành bia rượu không nhận được ưu đãi đáng kể, doanh thu sụt giảm mạnh, còn phải đứng trước rủi ro tăng thuế, thay đổi chính sách thuế.

"Chúng tôi cũng là doanh nghiệp, vừa phải chịu ảnh hưởng kép của Nghị định 100, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Chi phí tăng nhưng lại không thể đồng thời tăng giá theo nhu cầu vì tăng giá sẽ càng không bán được hàng", vị này chia sẻ.

Về phương pháp tính thuế bia, đại diện Carlsberg cho biết, không rõ lý do tại sao tại Nghị quyết 115 của Chính phủ lại yêu cầu xây dựng phương án thuế hỗn hợp với mặt hàng này. "Chúng tôi có cả thương hiệu bia cao cấp và phổ thông. Nhưng Carlsberg rất quan ngại về sự thay đổi phương pháp tính thuế. Điều này có thể ảnh hưởng cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế", đại diện Carlsberg nói.

Theo đó, vị này phân tích: hiện nay phần lớn bia tiêu thụ tại Việt Nam là dòng phổ thông, giá bán rẻ (chiếm khoảng 80% thị phần). Nếu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp hoặc tuyệt đối sẽ dẫn tới giá bia phổ thông tăng nhanh hơn, trong khi dòng bia cao cấp, giá cao sẽ xuống giá trong tương đối khi so sánh với mức tăng giá của bia phổ thông. Thực tế, điều này không làm người tiêu dùng dịch chuyển thói quen sang tiêu dùng bia cao cấp mà sẽ dịch chuyển sang nhóm bia, rượu phi chính thức (hàng lậu, giá rẻ, không được kiểm soát về xuất xứ và chất lượng). "Điều này đi ngược với mong muốn của chính sách, vô tình đẩy người tiêu dùng (thu nhập thấp) vào con đường sử sụng bia phi chính thức".

Đại diện Carlsberg đề xuất, với đặc thù của thị trường bia Việt Nam là rất khác biệt so với các nước phát triển, giá thành của các hãng bia khác xa nhau, thậm chí cách nhau vài chục lần nên cơ quan hoặc định chính sách cần nghiên cứu, thiết kế xây dựng chính sách thuế phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Đồng quan điểm với Carlsberg, bà Phạm Thu Thuỷ, kế toán trưởng Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cùng với biến động mạnh của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, Habeco chưa đạt lại được tốc độ tăng trưởng doanh thu như trước đại dịch, thậm chí trong Quý I/2023 đơn vị này còn bị lỗ do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.

"Nguyên vật liệu đầu vào tăng giá lên tới hàng trăm tỷ, "ăn" thẳng vào lợi nhuận doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023 tình hình kinh doanh Habeco tiếp tục giảm sút, doanh thu giảm khoảng 10%; tiêu thụ của người dân cũng khá thận trọng, vì vậy các hãng bia giảm cả về sản lượng và doanh thu khi khó có thể thiết lập mặt bằng giá giá mới do lo ngại khi tăng giá sẽ không bán được hàng", bà Thuỷ nói.

Theo đó, đại diện Habeco đưa 2 đề xuất. Thứ nhất là mong muốn cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu chính sách làm sao để doanh nghiệp có thời gian thích ứng, hồi phục lại sau đại dịch. Trong thời gian trước mắt (2023-2025) chưa tính đến việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ hai, Habeco ủng hộ kiến nghị, tờ trình của Bộ Tài chính về việc tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế tương đối với mặt hàng rượu bia như hiện nay. Điều này là phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Lo ngại với thay đổi phương pháp tính thuế 

Chỉ ra các lý do để Việt Nam nên tiếp tục duy trì phương pháp thuế tương đối với mặt hàng bia thay vì phương pháp tuyệt đối hay tương đối, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thị trường bia cho thấy, thị trường bia Việt Nam rất khác biệt so với các nước phát triển.

"Với giá bia trên thị trường tương đồng nhau, việc áp dụng phương pháp tuyệt đối hay tương đối cũng sẽ không có sự khác biệt lớn, lại dễ tính toán. Nhưng với đặc thù thị trường Việt Nam, 80% là bia giá phổ thông và có sự khác biệt rõ rệt về giá của sản phẩm cao cấp và phổ thông, áp dụng thuế tuyệt đối hay hỗn hợp đều sẽ dẫn tới cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp, nguy cơ nhóm bia phổ thông bị triệt tiêu, có thể dẫn tới độc quyền thương mại. Điều đó cũng dẫn tới nguy cơ thất thu ngân sách....", ông Tuất nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Sabeco đánh giá hiện nay chất lượng của các dòng bia Việt Nam đều đạt các quy chuẩn của quốc tế. Vì vậy, việc lý luận rằng bia giá cao đồng nghĩa với chất lượng tốt là chưa chính xác, trong khi giá bán của các sản phẩm bia thường được quyết định bởi lợi thế thương mại thay vì chất lượng sản phẩm. Theo đó, vị này cho rằng, nếu có thay đổi phương pháp tính thuế với mặt hàng bia, cần có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về tác động của chính sách tới doanh nghiệp và được mất của thu ngân sách.

Vị này còn lo ngại rằng, các hãng bia quốc tế, có giá trị thương hiệu lớn, giá cao sẽ dùng lợi nhuận thặng dư do hưởng lợi từ việc thay đổi phương pháp tính thuế để làm thị trường. Điều này là rất nguy hiểm với các hãng bia phổ thông vốn giá thấp, biên lợi nhuận nhỏ hơn, lại chịu tác động tiêu cực từ thay đổi phương pháp tính thuế.

Chuẩn hoá số liệu để có chính sách phù hợp Tại hội thảo, các số liệu liên quan tới doanh thu, sản lượng ngành bia, rượu Việt Nam được đưa ra rất khác nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, theo một số số liệu cập nhật được thì Việt Nam đứng thứ 2 Asean, thứ 3 châu Á về lượng tiêu thụ rượu, bia/ đầu người. Tuy nhiên, cũng chưa có số liệu chi tiết, cập nhật về thực trạng kinh doanh của ngành bia rượu đến thời điểm hiện tại - điều này là thiếu sót để thiết kế chính sách.

Ngoài ra, ông Ánh đặt vấn đề, hiện nay chúng ta thiết kế chính sách, muốn sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng lại không làm rõ mục tiêu là gì.

"Mục tiêu của chúng ta hiện nay có phải là dần dần siết chặt ngành rượu bia hay vẫn cần phát triển nó theo một hướng tốt hơn? Khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế là sử dụng chính sách thuế để hạn chế tác hại của bia rượu, tuy nhiên, thiết kế chính sách với một ngành sản xuất là phải nhìn từ góc độ kinh tế, tài chính, thậm chí văn hoá, xã hội. Trong khi rất nhiều nước trên thế giới có các sản phẩm bia, rượu để "khoe" như Trung Quốc có rượu Mao Đài, Scotland có whisky, Pháp có rượu vang, họ tự hào rằng đó là thương hiệu quốc gia thì Việt Nam lại đang loay hoay với chính sách phát triển ngành này", ông Ánh nói.

Chia sẻ thêm với ý kiến của TS. Vũ Đình Ánh, ông Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng, những số liệu đầu vào của ông Ánh như Việt Nam đứng thứ 2 Asean, thứ 3 châu Á về lượng tiêu thụ rượu, bia/ đầu người là chưa chính xác, thiếu cơ sở. Bằng các số liệu tập hợp được của ngành này, ông Tuất cho biết, mức tiêu dùng rượu bia của người Việt Nam nằm ở nhóm trung bình thấp thế giới, khoảng 4 lít nồng độ cồn/người/năm - trong khi đó ở nhiều nước phát triển, con số này là 15-17 lít nồng độ cồn/người/năm.

Theo đó, hiện nay tồn tại rất nhiều số liệu liên quan tới ngành bia rượu khác nhau mà không thể biết đâu là thông tin chính xác, dẫn tới thiết kế chính sách có thể không sát với thực tiễn. Đây cũng là lo ngại của Hiệp hội Rượu - bia - nước giảm khát (VBA). Theo đó, đại diện VBA cho biết, dù là số liệu chính thống từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì cũng có sự khác biệt rất lớn ở từng thời điểm cập nhật.

"Số liệu là cơ sở để quyết định chính sách nhưng chúng tôi rất lo ngại rằng, người làm chính sách sẽ tiếp cận số liệu không chính xác, bất lợi cho ngành rượu, bia, làm chính sách trở nên sai lệch với thực tiễn, dẫn tới bất cập cho toàn ngành", vị này chia sẻ.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) trao đổi, từ Đổi mới đến nay chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như hiện nay. Hàng vạn doanh nghiệp phá sản, kể cả doanh nghiệp lớn cũng phải sa thải hàng nghìn lao động. Điều này là rất đáng lo ngại với tăng trưởng kinh tế vì doanh nghiệp rời khỏi thị trường do kinh tế sụt giảm, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì mất 1-2 năm mới bắt đầu sản xuất.

Theo đó, GS. Nguyễn Mại khuyến nghị rằng, bất kỳ dự kiến nào thay đổi về thuế, đặc biệt là tăng thuế trong giai đoạn này đều có thể dẫn tới lợi bất cập hại, không đạt được yêu cầu tăng thu ngân sách mà có thể dẫn tới doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường, giảm thu ngân sách nhà nước, trong bối cảnh cần đặt vấn đề giải cứu doanh nghiệp lên hàng đầu.

Về phương pháp tính thuế mặt hàng rượu bia, GS. Nguyễn Mại cũng bày tỏ đồng tình với phương án của Bộ Tài chính, tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán như hiện nay. Đây cũng là giải pháp được cho là có hiệu quả hơn cả trong việc phân bổ nguồn lực, một mặt vẫn có thể đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách, mặt khác tiếp tục điều tiết, định hướng tiêu dùng, góp phần duy trì sức cạnh trạnh của các thương hiệu rượu bia Việt Nam đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam.

Nguồn: Nhàđầutư
: