Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài 3: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách quan trọng

13/9/2021  
301
Trước những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà cộng đồng doanh nghiệp FDI đang gặp phải, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp FDI đã nêu ra nhiều kiến nghị để mong muốn các địa phương cũng như Chính phủ xem xét, giải quyết, tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là thời điểm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chuyển dịch một phần đơn hàng sang nước khác

Mới đây, tại cuộc gặp giữa cộng đồng doanh nghiệp EU tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này. Mặc dù vậy, Chủ tịch EuroCham cũng khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp EU nào rời khỏi Việt Nam.

Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài 3: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách quan trọng

Doanh nghiệp FDI đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Sản phẩm Milo của Nhà máy Nestlé Bồng Sen).

“Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Alain Cany nói.

Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài 3: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách quan trọng
Nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi hoàn toàn có thể xảy ra”.

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam

Các doanh nghiệp EU cũng mong muốn các quyết sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng được thực thi mà không có sự khác biệt giữa trung ương và địa phương. Một trong số đó là kiến nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp EU.

Các doanh nghiệp EU cũng kiến nghị Chính phủ xem xét lại mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” vì hiện đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn. Với yêu cầu doanh nghiệp tổ chức “ăn, ở, ngủ” tại chỗ đã khiến các doanh nghiệp mất thêm rất nhiều chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp EU cũng gặp phải khó khăn khi muốn thay thế mới số công nhân đã ở lại nhà máy thời gian dài.

Về chính sách nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cho rằng hiện giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài theo Nghị định 152 đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách cởi mở hơn với chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine khi nhập cảnh vào Việt Nam.

EuroCham tại Việt Nam cũng cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Điều này khiến gần 80% doanh nghiệp EU tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt 3 tháng qua, trong đó 29% nói “rất tệ” do giãn cách kéo dài. Chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh của họ dự kiến “chỉ khá hơn một chút” trong 3 tháng tới, nhưng nhìn chung sẽ ở mức không tốt (71% doanh nghiệp). Phần lớn cho rằng, hạn chế về vận tải, cung ứng hàng hoá (71%) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất tới sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, hơn một nửa doanh nghiệp cho hay, không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc họ cần làm gì trong trường hợp xuất hiện các ca F0 tại nhà máy. Còn gần 2/3 doanh nghiệp đề nghị cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định.

Theo ông Alain Cany, những gì các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại cùng một giải pháp giải quyết các rào cản với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để tính khởi động trở lại việc kinh doanh.

Hiện, khoảng 56% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho nhân viên, chủ yếu các công ty có trụ sở tại TPHCM. Với phần nhỏ các doanh nghiệp còn lại, họ cho biết chưa nhận được kế hoạch cụ thể về tiêm phòng cho nhân viên (81%). 9% doanh nghiệp cho biết họ không rõ về kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động từ nhà chức trách.

"Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước. Chúng tôi cố gắng đàm phán, mua vaccine để đem về Việt Nam nhưng thực sự khó khi các hãng chỉ bán qua Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân không thể mua được", ông Alain Cany khẳng định.

Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài 3: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách quan trọngDây chuyền sản xuất của Nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên.
Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách  Trước những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà cộng đồng doanh nghiệp FDI nói chung và EU nói riêng đang gặp phải, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp FDI đã nêu ra nhiều kiến nghị để mong muốn các địa phương và Chính phủ xem xét, giải quyết.
Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài 3: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều chính sách quan trọng
Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty AEON Việt Nam đề xuất xem xét lùi thời hạn nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ 3-6 tháng và áp dụng trong 6 tháng trở lên để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, kiến nghị tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong đó có AEON, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, lượng hàng cần nhập khẩu theo đó cũng tăng cao.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề xuất cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi người lao động và cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt khi doanh nghiệp có ca F0 thì nên quy định tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn. Hiệp hội Thương mại Châu Âu cũng đề xuất điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ” cho phù hợp hơn, đơn giản hoá các thủ tục hải quan để thông quan nhanh thuốc và các hàng hóa phục vụ ngành y tế. Cùng đó, đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. Hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp; thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp COVID-19 và quy định về hiệu lực thời gian xét nghiệm giữa các tỉnh, thành. Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, đại diện Công ty Intel Việt Nam kiến nghị nên tạo điều kiện cho phép người lao động đã được tiêm vaccine mũi 1 và đang lưu trú tại vùng xanh được đi làm theo phương án “2 tại chỗ”. Đây sẽ là phương án lâu dài, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và người lao động dần ổn định tâm lý và sức khỏe khi trở về nhà sau giờ làm, tác động tốt đến năng suất lao động. Lãnh đạo Công ty Datalogic Việt Nam kiến nghị cần có giải pháp để chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, bởi nếu giãn cách xã hội kéo dài thì các nhà cung ứng nguyên vật liệu không thể đáp ứng, không bảo đảm hoạt động sản xuất.

Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) kiến nghị giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm giá các dịch vụ trọng yếu khác. Cùng đó, giảm lãi suất cho vay là những vấn đề cần được xem xét áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp EU nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Chính phủ hiện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và vừa mới ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn với dịch bệnh trong mọi điều kiện. Theo TS. Võ Trí Thành, việc Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDInói riêng là hết sức quan trọng. 

Trong đó, có một số vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết số 105 vừa được ban hành và sẽ sớm được cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. "Rõ ràng, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý ngay một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đã yêu cầu Bộ, ngành, địa phương không ban hành các quy định không phù hợp với chỉ đạo chung của Chính phủ về việc duy trì, đảm bảo chuỗi cung ứng", ông Thành nói. GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Chính phủ và các địa phương nên gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp FDI để thực sự hiểu được tình hình, cũng như vướng mắc mà họ đang gặp phải. Không nên đưa ra các biện pháp máy móc, không thích hợp với tình hình thực tiễn, gây khó dễ cho doanh nghiệp. "Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư trong nước, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, một thị trường tiềm năng để phát triển. Vì vậy, mọi thứ lúc này sẽ diễn biến ra sao phụ thuộc vào hành động của Chính phủ, hi vọng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh", GS Nguyễn Mại khẳng định. (Còn nữa) Nguồn: Nhàđầutư

 

: