Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lượng vốn FDI nói chung và FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ông, đâu là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng này?
- Từ trước đến nay, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhiều, nhưng giờ quan tâm đến Việt Nam hơn. Mỗi năm Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài 150 - 180 tỷ USD. Đối với Việt Nam, luồng vốn FDI từ Trung Quốc còn khá khiêm tốn so với quan hệ giữa hai nước về thương mại và những thuận lợi về điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý… Tuy vậy những năm gần đây, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2014 vốn lũy kế FDI từ Trung Quốc đứng thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì sang năm 2023, Trung Quốc vươn lên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xếp thứ 4. Nhưng nếu cộng cả Hồng Kông (Trung Quốc) thì Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 8,8 tỷ USD, vượt cả Singapore (6,08 tỷ USD), cao nhất năm 2023.
Ưu thế của Việt Nam là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, tỷ lệ dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, ký kết các hợp tác thương mại rộng khắp và tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường... là những lợi thế để Việt Nam thu hút FDI nói chung và từ Trung Quốc nói riêng.
Chế tạo vật liệu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH JA Solar Việt Nam,
vốn đầu tư Trung Quốc, tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang)
Fitch Ratings đánh giá, dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng tăng trong thập kỷ qua. Ông nhận xét thế nào về dòng vốn này? Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để tối đa hóa lợi ích từ nguồn vốn này mang lại?
- Về chất lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc, trước đây, đa số các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình và thấp, thâm dụng lao động và năng lượng, một số dự án gây ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó, một số địa phương có phần e ngại khi tiếp xúc với các dự án FDI đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số, Trung Quốc nổi lên trở thành quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ và các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực then chốt của kinh tế và công nghệ tương lai như đường sắt, tàu cao tốc không người lái, phát triển năng lượng xanh, điện tử, công nghệ 5G phổ cập toàn quốc, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ vũ trụ. Trung Quốc tham vọng đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế và khoa học công nghệ.
Chính bởi lẽ đó, việc thu hút các dự án công nghệ cao từ Trung Quốc đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia vùng lãnh thổ, thực hiện hóa lợi ích và kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, phát huy giá trị của đường lối ngoại giao liên kết đầy năng động và thân thiện.
Để thu hút hiệu quả các dự án FDI công nghệ cao từ các quốc gia nói chung và Trung Quốc nói riêng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các DN Việt Nam, chúng ta cần tạo lập hệ sinh thái cho thu hút và phát triển công nghệ. Cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN gồm hệ thống chính sách văn bản pháp luật, thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển. Chúng ta đang làm một loạt các đường cao tốc, TP xanh (đổi mới sáng tạo), đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để nhà đầu tư nước ngoài có môi trường sống, môi trường làm việc tốt, gắn bó lâu dài.
Phải có thị trường về công nghệ. Của ta trước kia nói có cũng được, nói không cũng được. Khi có thị trường công nghệ tốt thì tất cả lao động, sáng tạo sẽ được kết hợp. Sự kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và DN sẽ chặt chẽ hơn.
Hiện, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là vườn ươm để phát triển khoa học công nghệ. Khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo không những Quốc gia mà cả ở các tỉnh, địa bàn trọng điểm. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển của các DN FDI và các DN trong nước. Đặc biệt, hỗ trợ phát triển DN trong nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn với vai trò dẫn dắt các DN nhỏ và vừa, từ đó liên kết, hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cung ứng các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ…
Xây dựng và vận dụng hiệu quả bộ tiêu chí đánh giá các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh. Nâng cao năng lực bộ máy công chức để có thể hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát tiếp cận dự án, cho đến triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt khẩu thẩm định dự án để thu hút được những dự án chất lượng…
Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh khi mức độ cạnh tranh thu hút vốn giữa các quốc gia trong khu vực rất gay gắt. Việt Nam cần có những giải pháp nào để có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh? Những mặt tích cực và hạn chế trong thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới là gì?
- Năm 2021 Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài 179 tỷ USD. Năm 2022 đầu tư 147 tỷ USD. Trung Quốc chỉ sau Mỹ, luôn luôn đứng thứ hai về đầu tư ra nước ngoài.
Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn. Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước như Mỹ hay EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn này.
Hiện nay Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn trong khu vực có Indonesia. Chính sách thu hút FDI của họ rất ưu đãi. Thứ hai là Ấn Độ, quốc gia rất mạnh, họ có nguồn nhân lực dồi dào, công nghệ tốt, tiếng Anh họ cũng rất tốt.
Nếu nói về tích cực, phải nói rằng Việt Nam là nước rất có kinh nghiệm thu hút FDI nhưng hệ thống cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó và có chương trình đào tạo rất cụ thể.
Liên kết giữa DN Việt Nam và nước ngoài vẫn diễn ra khá chậm. Đặc biệt, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5%.
Những năm gần đây, Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam
Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của DN Trung Quốc sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các DN trong nước, nhất là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ.
Tuy nhiên, quan trọng là lựa chọn thu hút các dự án. Theo đó, thu hút đầu tư phải bảo đảm điều kiện về công nghệ và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm...
Ông có nói đến vai trò của những DN, tập đoàn kinh tế lớn. Vậy cụ thể là gì?
- Số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2021 cho thấy, việc liên kết giữa DN FDI và DN trong nước diễn ra khá chậm. Năm 2020, chỉ có khoảng 8% DN FDI tham gia điều tra của VCCI và WB cho biết, họ đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là DN Nhà nước, con số này cao hơn với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh với 14,8%.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam (công ty vốn đầu tư từ Trung Quốc)
tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội
Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn do năng lực của DN trong nước còn hạn chế và còn một khoảng cách rất xa mới có thể “đuổi kịp” được DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các DN FDI lại đặt ra những yêu cầu rất cao khi liên kết với DN nội. Điển hình như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), họ đặt ra 18 tiêu chí kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trách nhiệm cộng đồng… cho DN trong nước nếu muốn trở thành vendor cấp 1 của Samsung.
Mặc dù đã có những DN trong nước đáp ứng được, nhưng đa số các DN nhỏ và vừa còn thiếu rất nhiều tiêu chí mới có thể đáp ứng được yêu cầu trên của Samsung.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc
Nếu để các DN nhỏ vừa vừa năng lực hạn chế thì không thể đáp ứng được chuyển giao hay công nghệ hỗ trợ từ những tập đoàn lớn, đa quốc gia đến Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ lớn để bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài để từ đó vai trò dẫn dắt kết nối với những thành phần DN trong nước khác. Đặc biệt là ở những lĩnh vực công nghệ cao. Như vừa rồi công nghệ bán dẫn, FTP, Viettel, Vingroup phải vào cuộc và phải có chính sách hỗ trợ. Cái này Hàn Quốc họ làm rất lâu rồi, họ có chính sách hỗ trợ các Tập đoàn lớn rất mạnh mẽ để bắt tay với các Tập đoàn nước ngoài lớn, vươn ra thế giới. Trung Quốc cũng làm như vậy.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam có tác động tích cực như thế nào đến việc thu hút vốn FDI, thưa ông? Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc, trong lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng... Ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác của hai nước. Những lĩnh vực nào sẽ đón vốn FDI Trung Quốc nhiều nhất. Hay nói đúng hơn, các lĩnh vực quan trọng mà phía Trung Quốc nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam là gì?
- Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một làn sóng mới các đoàn DN và nhà đầu tư Trung Quốc đã đến Việt Nam.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế. Nền kinh tế hai nước cũng có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau; hai bên có cùng nhận thức và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều cơ chế hợp tác. Hai bên đều là thành viên tích cực của nhiều cơ chế hợp tác đa phương như các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, RCEF và nhiều cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư đã ký kết...
Cùng với chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đặc biệt là cùng cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian tới, khi lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng như: năng lượng, phát triển xanh, kinh tế số… Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các dự án hạ tầng chiến lược, như đường sắt, đường bộ cao tốc…
Đáng lưu ý, Trung Quốc có một số tập đoàn đang phát triển mạnh những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm. Chẳng hạn, Huawei đang đứng đầu thế giới về công nghệ chuyển đổi năng lượng, họ tăng tốc ký kết hợp tác để bán công nghệ này. Việt Nam đang cần và là thị trường quá tốt để hãng này chào hàng. Đó là những hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đó là cách mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong mối quan hệ làm ăn với các DN Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!