Doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng cho thương hiệu hàng Việt

24/12/2016  
26

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, số liệu kết quả điều tra dư luận xã hội tháng 5/2014 cho thấy có tới 92% người dùng được hỏi quan tâm và rất quan tâm đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 63% người cho biết sẽ dùng hàng Việt, tăng mạnh so với một năm trước, 54% người được hỏi cho biết có vận động người thân trong gia đình tham gia mua hàng Việt Nam. Ông Quyền cho rằng thành công của cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp lớn từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt và trong đó có ngày càng nhiều sản phẩm có uy tín toàn cầu.

Từ phía các đơn vị phân phối và bán lẻ, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết Big C luôn ưu tiên phân phối và bán hàng nội trong hệ thống. Hiện có đến 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng sản xuất tại Việt Nam. Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết, hiện nay hệ thống bán lẻ của Hapro có khoảng 20.000 mã hàng hoá, trong đó tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nội địa chiếm khoảng 80% trên tổng cơ cấu hàng hoá. Toàn bộ hàng hóa mày được khai thác trực tiếp từ các nhà máy, xí nghiệp, trang trại, từ các nhà phân phối, các nhà cung cấp và từ các công ty, đại lý thành viên của Hapro sản xuất.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, cuộc vận động không chỉ thành công ở khía cạnh thương mại và tiêu dùng khi hàng Việt đã chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ mà ở khía cạnh sản xuất chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng đã hấp dẫn người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

"Thời kỳ người Việt dành hàng hóa tốt nhất cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước được thoả mãn bằng những hàng hóa chất lượng thấp hơn đã qua. Việt Nam đang hướng đến những cột mốc mới trên con đường phát triển cùng với việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cần coi trọng mở rộng thị trường trong nước theo phương châm Người Việt Nam được tiêu dùng hàng có chất lượng cao để từ đó sản xuất ra hàng hóa tốt hơn", Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VAFIE, cuộc vận động còn có ý nghĩa về nhận thức đối với hàng hoá Việt Nam không chỉ là hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất mà còn bao gồm sản phẩm do doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành "cứ điểm" sản xuất của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft - Nokia, Intel, Canon, LG… sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng, điện tử gia dụng có số lượng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường khu vực và thế giới.

Ông Võ Văn Quyền cho biết, Bộ Công thương có đề nghị doanh nghiệp FDI chú trọng đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng trường kết nối với doanh nghiệp phân phối cho thị trường trong nước và toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng cho rằng, quan niệm hàng Việt không chỉ là hàng hóa được sản xuất bởi doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam mà còn là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam bởi chính những doanh nghiệp nước ngoài.

“Đây là quan điểm cần nhất quán để không chỉ ở chủ trương, chính sách mà hành động cụ thể không có sự phân biệt giữa hàng hóa 100% vốn Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài”, ông Quang nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức về FDI

Phát biểu tại hội thảo Ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Việt Nam đã bày tỏ mong muốn của tập đoàn Samsung là không muốn chỉ được gắn liền với danh xưng bên ngoài là “nhà đầu tư lớn nhất”, “doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất” tại Việt Nam, mà: "Chúng tôi mong muốn được gọi với cái tên doanh nghiệp quốc dân Việt Nam đúng nghĩa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam qua việc sử dụng những sản phẩm tốt được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng".

Ông Han Myoung Sup cũng cho biết, Samsung đã, đang và sẽ tìm kiếm đối tác Việt Nam để nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến sản phẩm của Samsung, đào tạo nhân lực nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Trước mối lo ngại về việc khái niệm hàng Việt Nam được mở rộng với các doanh nghiệp FDI đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam khiến áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, GS.TSKH Nguyễn Mại cũng thừa nhận áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ tăng nhưng việc các thương hiệu quốc tế mạnh vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt nên tận dụng cơ hội hợp tác để phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo giá trị gia tăng.

Theo ông Mại, việc truyền thông gần đây đưa tin về con số xuất khẩu giày da sang Mỹ tăng nhấn mạnh đến 40% là của Nike, Adidas khiến dư luận nghĩ nếu gia nhập các hiệp định thương mại tự do như TPP vẫn không có lợi cho Việt Nam; nhưng có một thực tế là chưa doanh nghiệp nào trên thế giới có khả năng cạnh tranh hay thay thế được thương hiệu Nike, Adidas, do đó khi "kéo" được những doanh nghiệp này vào thì các doanh nghiệp trong nước nên hợp tác với các thương hiệu này để làm công nghiệp phụ trợ.

Dẫn trường hợp của Samsung xuất khẩu 30 tỷ USD, giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong đó công nghiệp phụ trợ chỉ được mấy trăm triệu USD còn lại chủ yếu vẫn là doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Mại kiến nghị, doanh nghiệp Việt cần "bám" lấy Samsung để có thể tạo ra giá trị gia tăng xuất khẩu.

                                                                               Theo Tạp chí Nhà Đầu Tư số 84 tháng 7-8/2015

: