Dòng vốn FDI: Làm gì để đạt hiệu quả cao?

24/12/2016  
23

Những năm qua, nguồn vốn FDI đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, khu vực DN này cũng bộc lộ một số vấn đề, khiến dư luận từng đặt câu hỏi: Có nên hạn chế thu hút FDI hay không?

Được và mất

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 25 năm dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam, tỷ lệ đóng góp của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào GDP đã tăng từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (2006); 18,97% (2011) và nay là 20%.

Trong hoạt động xuất khẩu, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tới 66,87% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2013. 10 tháng đầu năm 2014, khu vực FDI xuất khẩu 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%, đóng góp 67% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và vẫn liên tục xuất siêu. Với những con số khá đẹp nói trên, giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc thu hút dòng vốn FDI đã và đang mang lại những kết quả đáng khích lệ cho nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, song song với những thành quả có được, việc mở rộng cửa đón làn sóng FDI cũng đã mang lại "quả đắng”. Đó là sự ô nhiễm môi trường, là các hành vi chuyển giá, trốn thuế và kể cả những mâu thuẫn giữa chủ DN và người lao động… Mới đây nhất, Công ty Metro Cash& Cary đã bị cơ quan chức năng chỉ rõ hành vi chuyển giá trốn thuế.

Tất nhiên, Metro chỉ là một trong số những cái tên được nằm trong danh sách về nghi vấn các DN FDI chuyển giá, trốn thuế đã hoạt động một thời gian dài ở Việt Nam. Thực tế này đã và đang gây thất thu cho nguồn ngân sách nước nhà và những hệ lụy khác cho môi trường kinh doanh cũng như môi trường sống của Việt Nam.

Ngoài việc hàng loạt các DN FDI bị chỉ rõ hành vi chuyển giá, trốn thuế gây thất thu nguồn ngân sách và những hệ lụy khác, một số DN thuộc khu vực DN này còn bộc lộ hành vi chiếm dụng đất đai gây lãng phí về tài nguyên đất…Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên hạn chế thu hút FDI để giảm thiểu những hệ lụy cho nền kinh tế.

Thu hút có chọn lọc

Tuy nhiên, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nguồn vốn FDI vẫn là một kênh đầu tư quan trọng trên toàn thế giới. Đối với bất kể nền kinh tế nào từ phát triển cho tới đang phát triển như Việt Nam thì FDI luôn đóng vai trò rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Vinh, chúng ta không nên phê phán FDI vì chúng ta đang cần. Bởi không một nước nào không mong muốn thu hút FDI.

"Thực tế là tỷ trọng của DN FDI trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam chiếm khá lớn”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định và đặt câu hỏi: "Nếu hạn chế FDI thì nền kinh tế của chúng ta sẽ ra sao?” Và để chứng minh cho dư luận thấy vai trò quan trọng của khu vực DN này, ông Vinh nêu thực tế: Một đề án của Samsung đầu tư vào Việt Nam có thể giải ngân lên tới 11,3 tỷ USD và năm nay còn 3 tỷ USD nữa.

Cứ mỗi dự án thu hút khoảng 40 ngàn lao động, lương 5-10 triệu VND/tháng trong khi mỗi năm chúng ta cần giải quyết 1,6 triệu việc làm... Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận, khối FDI có thể chưa chuyển giao ngay công nghệ ngay được song có thể tạo ra các cú huých, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang dành những ưu đãi lớn để thu hút dòng vốn FDI không ngoài mục đích dần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ tập trung sang nền kinh tế thị trường, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào trong nước, đặc biệt là những ngành đòi hỏi công nghệ cao như viễn thông, ô tô, tin học…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các mục tiêu nói trên vẫn còn khá hạn chế. Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực FDI tuy sử dụng công nghệ cao hơn so với công nghệ của các DN trong nước, nhưng phần lớn dự án sử dụng công nghệ trung bình và thấp, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, đồ uống..., số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần được hạn chế theo hướng không nên quá ưu đãi, "trải thảm đỏ” để tránh những hệ lụy đáng tiếc. "Đi kèm với đó, chúng ta cần phải đưa ra những chính sách quản lý tốt hơn nguồn vốn này để có thể hạn chế thấp nhất những bất cập, tồn tại ở khu vực FDI hiện nay”- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng nhận định.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

: