FDI Mỹ vào Việt Nam khiêm tốn: Nhìn Indonesia mà học tập!

23/12/2016  
57

Theo Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối năm 2015, Mỹ đã đầu tư lũy kế trên 11,3 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước đứng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore, số vốn đến từ Mỹ chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3, và Mỹ hiện chỉ đứng vị trí thứ 8 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ tại Việt Nam khoảng 14,56 triệu USD, chỉ tương đương với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết tình trạng trên phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp Mỹ đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam.

“Qua khảo sát, họ thấy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề khiến họ quan ngại”, GS. TSKH Nguyễn Mại nhận xét.

Đầu tiên là luật pháp. Ngay từ Hiệp định thương mại Việt - Mỹ năm 2000 đã yêu cầu rất rõ về công khai, minh bạch, ổn định về luật pháp. Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nhưng tính ổn định và minh bạch về luật pháp chắc chắn chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Mỹ.

Thứ hai là sở hữu trí tuệ. TPP đặc biệt là hiệp định yêu cầu chặt chẽ và đặt tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ trong mọi hoạt động sản xuất, chứ không chỉ trong bản quyền, thương quyền sở hữu trong các lĩnh vực như dược phẩm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa thực sự kiểm soát được hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trôi nổi trên thị trường.

Thậm chí so với các nước trong khu vực, thu hút vốn FDI Mỹ của Việt Nam cũng thua kém. Trong năm 2014, Mỹ rót vào Indonesia 2,58 tỷ USD, 1,97 tỷ USD vào Thái Lan, 1,72 tỷ USD vào Malaysia và 1,016 tỷ USD vào Philippines, nhưng số vốn rót vào Việt Nam chưa tới 300 triệu USD.

Lấy ví dụ như Indonesia, GS. Nguyễn Mại chỉ ra Việt Nam còn nhiều điều phải học tập trong cách tiếp cận. Gần đây, nước này bị đánh giá môi trường đầu tư ở mức thấp nhất ASEAN.

“Sau đó Tổng thống Indonesia đã tuyên bố đây là một sự ‘sỉ nhục’ ở tầm quốc gia. Ông yêu cầu phải thay đổi 1 cách cơ bản, phải thay đổi thứ hạng môi trường đầu tư từ 104 lên hạng 50 trong vòng hai năm”.

Đích thân ông đã chỉ đạo một đề án rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư xuống còn hai ngày.

“Phải có sự tham gia quyết liệt của những người đứng đầu đất nước như vậy, phải hiểu rằng thứ hạng đánh giá môi trường đầu tư không chỉ liên quan đến FDI, mà còn là thể hiện của quốc gia”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từng tuyên bố “Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam”, nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp Mỹ.

Từ năm 2006, Intel đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, theo sau là Microsoft và gần đây nhất là Apple với cam kết đầu tư 1 tỷ USD.

“Nhưng đấy chỉ là lời hứa. Còn sắp tới đây, thông qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư sẽ được bàn bạc kỹ, bao gồm cả thúc đẩy để sớm thông qua TPP. Hy vọng nếu những điều này sẽ tạo được tiền đề cho các chuyển biến trong dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam”, ông hy vọng.

LÊ HUYỀN

: