4 tháng đầu năm thu hút vốn FDI tại TP.HCM giảm gần 13%

12/5/2021  
119
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, tính chung cả vốn FDI thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM đã thu hút được 1,14 tỷ USD, giảm 12,92% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Ngày 11/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4, 4 tháng năm 2021.

Trong đó, báo cáo về tình hình thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM, Sở KH&ĐT cho biết, năm 2021, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố với tổng số vốn hơn 35.749 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 3.827 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố là hơn 31.921 tỷ đồng.

Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 25/4, được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là gần 4.691 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt là 13,1% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4 tháng 2020 chỉ đạt 10,8%).

4 tháng đầu năm thu hút vốn FDI tại TP.HCM giảm gần 13%

TP.HCM đã thu hút được 1,14 tỷ USD, giảm 12,92% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là hơn 187,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% tổng kế hoạch vốn giao; vốn ngân sách thành phố giải ngân hơn 4.503 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,1% tổng kế hoạch vốn giao.

Riêng trong tháng 4, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương xây dựng 2 dự án quan trọng là nút giao thông An Phú và dự án xây dựng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên.

Cụ thể, nút giao thông An Phú 3 tầng, có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố hơn 2.100 tỷ đồng, trung ương hỗ trợ 1.800 tỷ đồng) tại TP. Thủ Đức, dự án góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - đây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa thành phố với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với dự án xây dựng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố 4.200 tỷ đồng, trung ương hỗ trợ 4.000 tỷ đồng), dự án góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực, lại có thêm tuyến giao thông thủy, bộ kết nối TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai.

Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM đã thu hút được 1,14 tỷ USD, giảm 12,92% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 100 dự án  với tổng vốn đầu tư đăng ký là 360,12 triệu USD (giảm 72,9% số dự án cấp mới và tăng 80,33% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Cụ thể, phân theo ngành nghề/lĩnh vực: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 62,49%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 34,94%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 1,23%.

Phân theo quốc tịch nhà đầu tư: Nhật Bản có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (58,27%); Hà Lan chiếm 22,40%; Singapore chiếm 10,08%; Hàn Quốc chiếm 3,48%; Trung Quốc chiếm 2,30%.

Bên cạnh đó, có 30 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt trên 403 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 49,15% về số dự án và tăng 273,89% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

“Thành phố cũng chấp thuận cho 547 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 377,63 triệu USD, giảm 67,96% so với cùng kỳ về số trường hợp và giảm 62,33% về vốn. Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến nay có 44 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động”, Sở KH&ĐT thông tin.

Ngoài ra, về thu – chi ngân sách thành phố, trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa gần 101.493 tỷ đồng, đạt 39,51% dự toán, tăng 14,47% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 35,93% dự toán, tăng 19,38% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt gần 19.166 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 5.811 tỷ đồng, đạt 15,18% dự toán HĐND TP.HCM thông qua (dự toán là trên 38.289 tỷ đồng); chi thường xuyên gần 11.592 tỷ đồng, đạt 24,19% dự toán (dự toán là 47.925 tỷ đồng).

Nguồn: Nhàđầutư

 

: