Nhân chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc từ ngày 12-15/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trả lời phỏng vấn của báo chí Hàn Quốc.
Năm 2022 đánh dấu mốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Xin Ngài cho biết đánh giá tổng thể về quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua và phương hướng phát triển thời gian tới? Những lĩnh vực nào sẽ được hai nước tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tôi luôn có tình cảm yêu mến dành cho đất nước và con người Hàn Quốc. Lần gần đây nhất tôi tới thăm đất nước Hàn Quốc tươi đẹp, mến khách là vào năm 2019 trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, tôi đã cùng Ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hong Nam Ki đồng chủ trì Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ nhất. Lần này, tôi rất vui được trở lại thăm Hàn Quốc với tư cách là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Như các bạn biết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Với tâm thế đó, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hàn Quốc, nhất là khi mối lương duyên giữa hai nước chúng ta đã bén rễ bền chặt từ xa xưa. Việc Lý Long Tường đến năm 80 tuổi vẫn cùng tôn thất nhà Lý và nhân dân Cao Ly đánh bại 2 lần cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông là những chứng tích lịch sử rõ nét về mối quan hệ gắn bó của hai dân tộc chúng ta. Có thể nói, sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh hiếm thấy nếu so sánh với quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới, nhất là kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc” năm 2009.
Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường. Về chính trị, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát huy hiệu quả, thực chất; tin cậy chính trị không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước bằng nhiều hình thức linh hoạt, kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug tháng 11/2020 và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt, hai bên đang phối hợp chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng là thực hiện các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc và thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược hiện nay lên một tầm cao mới.
Hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước từ trước tới nay. Hai bên đã thiết lập và tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Hiệp định thương tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều.Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 72,3 tỷ USD, là đối tác lớn thứ 2 về thương mại với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 65 tỷ USD, là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai của Việt Nam, riêng giai đoạn 2016 - 2020 đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD. Hai nước cũng đang tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hàn Quốc cũng đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia.
Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân diễn ra sôi động, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển ngày càng sâu rộng. “Làn sóng Hàn Quốc” với các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh, ẩm thực... ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam và văn hóa, ẩm thực Việt Nam ngày càng được biết đến và ưa thích tại Hàn Quốc. Với nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các du khách Hàn Quốc với hơn 4,3 triệu lượt khách và Việt Nam có khoảng hơn 500.000 lượt người Việt Nam đến Hàn Quốc trong năm 2019; mỗi tháng có khoảng 2.000 chuyến bay kết nối giữa các địa phương hai nước. Nếu không có dịch bệnh COVID-19, có thể Việt Nam đã đón hơn 6 triệu khách du lịch Hàn Quốc ghé thăm trong năm 2020. Hơn 200.000 kiều dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia, trong đó hơn 65.000 gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc đang là cầu nối hữu nghị,gắn kết chặt chẽ quan hệ giao lưu nhân dân.
Thời gian gần đây, dù đại dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục duy trì được đà phát triển. Chính trong thời điểm khó khăn, tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược ngày càng được thể hiện rõ. Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam phòng dịch COVID-19, trong đó có nhiều trang thiết bị y tế và vaccine. Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn lượt chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc nhập cảnh,bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế tại Việt Nam, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Hai bên hiện đang nỗ lực biến đại dịch COVID-19 thành cơ hội để hợp tác trên các lĩnh vực mới, nhất là hợp tác về y tế, kỹ thuật số…
Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay trước thềm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của tôi sẽ góp phần mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng trên cơ sở nền tảng vững chắc và những thành quả đạt được trong quan hệ hai nước trong gần 30 năm qua, cùng với sự gần gũi về địa lý, tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng chung lợi ích bổ trợ lẫn nhau trong hợp tác phát triển và chính sự quan tâm của Lãnh đạo hai nước, sự cố gắng hết sức của nhân dân và doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Xin Ngài cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động thế nào đến quan hệ hai nước? Quốc hội Việt Nam đã có biện pháp gì để hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đầu tư tại Việt Nam? Theo Ngài, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) sẽ giúp ích như thế nào đối với quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng COVID-19 chính là một phép thử và đó là phép thử mang tầm cỡ toàn cầu, không chỉ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn đối với tài lãnh đạo cũng như khả năng ứng phó khủng hoảng của mỗi quốc gia. Tôi tâm đắc với câu nói của nhà sử học Israel Yuval Noah Harari: “Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai!”. Bởi lẽ điều quan trọng không phải là dịch bệnh trầm trọng tới mức nào mà là việc chúng ta cùng nhau xử lý vấn đề ra sao. Không thể phủ nhận rằng kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với cộng đồng quốc tế và khu vực, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc. Nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc bị hoãn/hủy; hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân hai nước và các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục được duy trì, nhất là các hoạt động giao lưu cấp cao và các cấp với nhiều hình thức linh hoạt như trực tiếp, trực tuyến, phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc giải quyết các khó khăn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài nói chung và của doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Quốc hội. Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các chuyên gia và nhà quản lý các nước, trong đó có Hàn Quốc duy trì các hoạt động kinh tế tại Việt Nam như ưu tiên tiêm chủng cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp và nhà máy của Hàn Quốc, đảm bảo vấn đề phòng dịch, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, hỗ trợ về thuế, giải quyết nhanh chóng những vướng mắc hay khó khăn phát sinh. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng trực tiếp tham gia hỗ trợ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các buổi tọa đàm trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc. Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính như giãn, hoãn, miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.... Về dài hạn, trên cơ sở thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, Quốc hội Việt Nam nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung sẽ rà soát hệ thống luật pháp, sẽ bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết để phù hợp với thực tiễn, sẽ hướng tới việc tạo khung pháp lý để hỗ trợ bảo đảm được những trụ cột cho tăng trưởng, như vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số. Như vậy, giải pháp ngắn hạn phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng.
Bên cạnh các cơ chế hợp tác song phương, trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, Việt Nam và Hàn Quốc là 2 đối tác quan trọng và đã sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để Hiệp định đi vào thực thi từ đầu năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, tiếp tục củng cố vị thế là các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của nhau cũng như phát triển sâu rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Với các ưu đãi thuế quan (trong đó có việc loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đến 2040), hài hòa hóa các cam kết, tiêu chuẩn và giảm bớt thủ tục xuất khẩu, Hiệp định sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi cũng hy vọng thông qua RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang Hàn Quốc, qua đó góp phần nhập siêu, đồng thời khuyến khích các nguồn đầu tư chất lượng cao từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến du lịch yêu thích của người Hàn Quốc trước khi dịch COVID-19 diễn ra, theo Ngài khi nào thì người Hàn Quốc lại có thể đi du lịch tại Việt Nam như trước đây?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trong những năm qua, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng cao, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam, đạt hơn 4,3 triệu lượt khách trong năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng trong hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước. Một số điểm du lịch của Việt Nam rất phổ biến được khách Hàn Quốc yêu thích như Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang. Năm 2021 - một năm đầy khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards).
Tôi cho rằng, việc giành giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng được coi là Oscar trong ngành du lịch năm nay sẽ là cú hích và động lực rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại, du khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Hàn Quốc sẽ lựa chọn những điểm đến tại Việt Nam. Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai chương trình thí điểm, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thuận lợi và an toàn nhất để mở cửa rộng rãi, đón khách quốc tế vào thời điểm phù hợp. Đặc biệt vào tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và đã đón hai đoàn khách đầu tiên khởi hành từ Seoul, Hàn Quốc đến Việt Nam. Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình thí điểm đón khách có “hộ chiếu vaccine”, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Dự kiến, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ mở lại các chuyến bay quốc tế, trong đó có Seoul, Hàn Quốc và xem xét công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine.
Xin Ngài cho biết một vài cảm tưởng, ấn tượng của Ngài về đất nước và con người Hàn Quốc?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Có thể nói, hai nước, hai dân tộc chúng ta đã có mối liên hệ lịch sử, giao lưu từ lâu đời, ít nhất là từ thế kỷ thứ 13, khi các hoàng tử Triều Lý của Việt Nam đã sang Hàn Quốc định cư và có nhiều đóng góp vào công cuộc giữ nước của Hàn Quốc. Ngày nay, quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục… Chúng ta đã trở thành đối tác chiến lược và cũng là những người bạn chân thành của nhau. Khi nói đến Hàn Quốc, tôi vẫn giữ ấn tượng sâu sắc về một đất nước tươi đẹp có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc và người dân giàu lòng mến khách.
Ngày nay, Hàn Quốc không chỉ là một trong những quốc gia phát triển, “xứ sở Kim chi” đã thành công trong việc quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người và nền văn hóa đặc sắc của mình đến với công chúng quốc tế thông qua phim ảnh, âm nhạc và ẩm thực, tạo nên làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đang lan tỏa mạnh mẽ và gây hiệu ứng rộng rãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, các ngôi sao K-pop như BTS, Black Pink, EXO hay bộ phim Trò chơi con mực (Squid Game), Ký sinh trùng (Parasite) đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, đưa văn hóa Hàn Quốc đang trở thành “hiện tượng” của văn hóa khu vực và thế giới. Người dân Việt Nam biết đến và dành nhiều tình cảm cho huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo, người đã mang đến những thành công vang dội cho nền bóng đá Việt Nam. Dấu ấn cá nhân của ông đã góp phần làm cho quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc thêm sinh động, thúc đẩy giao lưu nhân dân bền chặt giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng, với những nét tương đồng về lịch sử và văn hóa, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. (Theo VOV)