Trong 8 tháng đầu năm 2016, đã có 208 dự án cấp mới từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,23 tỷ USD và 99 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 536,7 triệu USD.
Vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,768 tỷ USD, chiếm 19,27% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Các dự án tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 63 dự án cấp mới và 54 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 559 triệu USD, chiếm 20,1%.
Tiếp theo là các lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải và nghệ thuật vui chơi, giải trí với tổng vốn đầu tư lần lượt là 229 triệu USD và 185,8 triệu USD.
Xét theo đối tác đầu tư, Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam.
Tiếp theo là Thái Lan (414 triệu USD, chiếm 14,9%); Malaysia (376,7 triệu USD, chiếm 13,6%); Brunei (275 triệu USD, chiếm 9,9%).
Một số ít dự án còn lại thuộc Indonesia, Lào và Campuchia.
Các nước khu vực ASEAN đã đầu tư tại 32/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với 7 dự án cấp mới và 13 lượt dự án điều chỉnh vốn, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 537 triệu USD, chiếm 19,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hà Nội xếp thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 510 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang,…
LÊ HUYỀN