Đà Nẵng thu hút FDI có chọn lọc

24/12/2016  
121

Thay đổi phương thức thu hút đầu tư

Có thể nhận định, năm 2015 là một năm nhiều khởi sắc trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Ðà Nẵng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, TP. Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động và mở rộng sản xuất. Môi trường đầu tư của Thành phố liên tục được cộng đồng doanh nghiệp bầu chọn là tốt nhất trong cả nước, bằng chứng là Đà Nẵng liên tục dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong các năm 2010-2012 và 2013, 2014.

Kết quả là, lũy kế đến ngày 31/12/2015, Đà Nẵng có 386 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,66 tỷ USD. Trong đó, 294 dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đạt 2,58 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; 89 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 975 triệu USD, chiếm 26,6% tổng vốn đăng ký; 1 dự án đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung với số vốn đầu tư 32 triệu USD và 2 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với 70 triệu USD. Riêng trong năm 2015, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 337 triệu USD, tăng gấp đôi so với tổng vốn cấp mới và tăng thêm năm 2014.

Đà Nẵng thu hút FDI có chọn lọc

Đà Nẵng - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư 

Hiện nay, sau nhiều năm thay đổi phương thức tiếp cận thu hút đại trà sang thu hút đầu tư có chọn lọc, bước đầu tình hình thu hút đầu tư Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể. Các dự án lớn đã chuyển dần từ các lĩnh vực công nghiệp nặng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo. Những dự án đầu tư được cấp phép mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics…

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 11,83% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI chiếm 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 50% so với giá trị xuất khẩu toàn Thành phố. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 44.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI đã thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo của Đà Nẵng.

Ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (UBND TP. Đà Nẵng) cho biết: “Việc Thành phố thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc là để phục vụ định hướng phát triển các ngành công nghiệp không khói là du lịch - dịch vụ, công nghệ cao, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài và đảm bảo môi trường sống cho TP. Đà Nẵng. Điều này giúp Đà Nẵng giữ vững được danh hiệu ‘Thành phố đáng sống’ và quan trọng hơn là ‘ghi điểm’ trong mắt nhà đầu tư”.

Ông Dương cho rằng, vấn đề môi trường đang được các nhà đầu tư quan tâm, nhất là các nhà đầu tư đa quốc gia, bởi họ đều mong muốn sản phẩm của họ phải xuất phát từ một môi trường được xử lý tốt và điều đó làm nâng cao giá trị sản phẩm.

Thay đổi cách tiếp cận

Khi định hướng thu hút đầu tư thay đổi, những người làm công tác xúc tiến đầu tư cũng phải thay đổi linh hoạt cách thức tiếp cận, xúc tiến để thu hút được những nhà đầu tư mới phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Thành phố.

Theo ông Lê Cảnh Dương, trong năm 2015, công tác xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng đã được tiến hành theo hướng tập trung đầu mối, có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng với các sở, ngành liên quan của Thành phố và các doanh nghiệp. Thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư hướng vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức bài bản, chủ động và chuyên nghiệp hơn. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới về cả phương thức và nội dung,

Ông Dương cho biết thêm, trong năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

“Để làm được điều này, Thành phố sẽ tập trung tiếp cận và mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có thương hiệu lớn và có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU (Đức, Anh, Pháp, Italia) và các nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan); các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ thông tin của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Hoa Kỳ…”, ông Dương nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và triển khai hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, tiến hành kêu gọi, thu hút dự án đầu tư FDI theo định hướng phát triển bền vững, đảm bảo môi trường, thực hiện thu hút đầu tư thông qua việc quy hoạch sử dụng quỹ đất hợp lý.

“Những nỗ lực của Thành phố trong thời gian qua đã được các doanh nghiệp đánh giá cao, tạo được niềm tin từ các nhà đầu tư. Với chủ trương nhất quán trong việc thu hút đầu tư và tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp đang hoạt động, Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm xây dựng một môi trường đầu tư bền vững với một lực lượng doanh nghiệp tự tin và đầy sức sống, góp phần tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển ổn định”, ông Thơ chia sẻ.

Dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác xúc tiến đầu tư- Ông Mai Đức Lộc, Nguyên Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP. Đà Nẵng Trong năm 2016, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư vào khu công nghệ cao. Có thể nói, vấn đề khó nhất hiện giờ vẫn là vốn. Do vậy, Thành phố phải có cách tiếp cận “cao hơn” đối với các nhà đầu tư khi tiến hành kêu gọi vào đó. Muốn vậy, Thành phố cần đầu tư thoả đáng hơn cho lĩnh vực xúc tiến, thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ mới. Xác định trọng tâm, trọng điểm - Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Doanh nghiệp hiện còn quá nhỏ bé và rất dễ bị tổn thương khi thị trường biến đổi. Thế nên, cần thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp lớn thì phải có định hướng rõ ràng, có trọng tâm, xác định được thị trường trọng điểm, doanh nghiệp trọng điểm nhằm thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố. Tổ chức xúc tiến đầu tư theo chuyên đề - Ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Để tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư, TP. Đà Nẵng đã chuyển dần sang tổ chức xúc tiến theo chuyên đề cụ thể. Các dự án kêu gọi đầu tư được xác định trước về vị trí, đất đai và các điều kiện cần thiết, giúp nhà đầu tư dễ dàng khảo sát và đưa ra quyết định đầu tư… Song song với việc xúc tiến các dự án đầu tư mới, Thành phố cũng tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép, giúp họ thiết lập và triển khai dự án thuận lợi, an tâm mở rộng sản xuất.

Ngọc Tân(Báo Đầu Tư)

 
: