Doanh nghiệp FDI: Đắp chiếu phương tiện vận tải chờ… hướng dẫn

24/12/2016  
95

Theo qui định tại Nghị định 86/2014, các DN có phương tiện và kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cần làm thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu để hoạt động kinh doanh. Tiếp đó từ 1/7/2016 các loại xe tải có trọng tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải có giấy phép kinh doanh, phù hiệu xe tải và hộp đen. Đến thời hạn trên theo qui định của Nghị định 86 của Chính phủ và thông tư 63 của Bộ Giao thông vận tải, các DN chưa có giấy phép kinh doanh và phù hiệu sẽ bị kiểm tra, xử phạt. Từ những qui định trên, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% -100% có phương tiện vận tải trên 10 tấn và dưới 10 tấn đang lúng túng, đắp chiếu hàng loạt vì chưa tìm ra lối thoát.

DN FDI… kể khổ

Đại diện Cty ADCO cho biết, hiện tại DN có trên 70 đầu xe trên 10 tấn hiện đang phải nằm im bất động, không dám chạy sợ bị phạt vì không có phù hiệu. Nếu như trước đây thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi Nghị định 86/2014 /NĐ-CP có hiệu lực thì DN không đủ điều kiện để được cấp phù hiệu vì là DN FDI. Vì tính chất kinh doanh, DN phải đầu tư phương tiện để vận chuyển nội bộ chứ chúng tôi không kinh doanh vận tải. Nếu đòi hỏi phải có phương án kinh doanh trong ngành vận tải, mã ngành rồi mới cấp giấy phép kinh và phù hiệu thì DN chỉ có nước đóng cửa.

Tương tự, các DN FDI như Manuchar Việt Nam, Stole, Puma, NKV, Vietsovpetro bức xúc: Do điều kiện và tính chất ngành nghề kinh doanh, chúng tôi phải đầu tư lên tới cả trăm đầu xe để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, xe không thể di chuyển và đang có nguy cơ phải đắp chiếu. Thuê phương tiện bên ngoài vào vận chuyển để đẩy chi phí và giá thành sản phẩm lên cao không phải là phương án tối ưu khi chúng tôi đầu tư tại Việt Nam. Hơn bao giờ hết và ngay lúc này, các DN FDI mong muốn: Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có sự can thiệp để các DN FDI không lỡ dở trong hoạt động kinh doanh.

Đối với các DN FDI chưa được cấp phù hiệu do không có giấy phép kinh doanh vận tải, mã ngành… không đáp ứng được điều kiện qui định tại điều 20 Nghị định 86.

Chưa có lộ trình…

Ông Phạm Đình Đức – Trưởng phòng quản lí vận tải đường bộ – Sở GTVT-TP HCM cho biết, với vai trò là đơn vị quản lí nhà nước về hoạt động vận tải đường bộ, Sở đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền phổ biến và mời các hiệp hội vận tải tại thành phố; các đơn vị vận tải thực hiện các qui định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Đồng thời, Sở GTVT đã có văn bản số: 2895/SGTVT-VTĐB, ngày 07/04/2015 về việc đề nghị hỗ trợ thông tin qui định quản lí kinh doanh vận tải bằng xe ôtô gửi các cơ quan thông tin đại chúng, báo đài… Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải đối với từng loại hình được thực hiện theo lộ trình qui định tại Điều 20 Nghị định 86. Tính tới thời điểm này, Sở đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho 505 đơn vị, trong đó 2250 xe được cấp phù hiệu.

Tuy nhiên, đối với các DN FDI chưa được cấp phù hiệu do không có giấy phép kinh doanh vận tải, mã ngành… không đáp ứng được điều kiện qui định tại Điều 20 Nghị định 86.

Tuy vậy, đại diện Vụ quản lí vận tải – Bộ GTVT cho rằng, theo Nghị định 86/2014-NĐ- CP thì hoạt động vận tải của các phương tiện để phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN có vốn đầu tư nước ngoài là hoạt động kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Để được hoạt động kinh doanh vận tải, các DN này phải đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định của Nghị định 86/2014/NĐ – CP. Mặt khác theo biểu mẫu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì ngành này thuộc về mã ngành dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ (CPC 7123). Do vậy, để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho DN FDI, yêu cầu các Sở GTVT hướng dẫn DN vận tải như sau:

Thứ nhất, DN phải đáp ứng theo đúng qui định và lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Theo đó, tại cam kết WTO và kể từ ngày gia nhập, Việt Nam chỉ mở cửa thị trường dịch vụ này đối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và liên doanh, trong đó tỉ lệ góp vốn của phía nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỉ lệ vốn góp nước ngoài không được vượt quá 51% và 100% , lái xe cho liên doanh phải là công dân Việt Nam.

Thứ hai, DN phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo qui định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 19 của Nghị định 86/2014/NĐ- CP ngày 10/09/2014. Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải được thực hiện theo qui định tại Điều 21, Nghị định số 86/2014/NĐ – CP.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT các tỉnh thành thống kê, rà soát các đơn vị vận tải không thu tiền trực tiếp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để DN kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện theo đúng qui định hiện hành.

Như vậy, các DN FDI tạm thời vẫn phải đắp chiếu phương tiện vận tải “dài hơi” để chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện theo đúng lộ trình, đủ điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh và phù hiệu mới được phép hoạt động.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

: