“Doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế... chỉ là thiểu số”

24/12/2016  
101

Tại buổi hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” sáng 28/6, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, tăng trưởng kinh tế của cả nước 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng các doanh nghiệp. Trong đó, nổi lên đóng góp lớn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Không chỉ đạt quy mô về số lượng, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về chất trong hoạt động đầu tư FDI với nhiều dự án tỷ USD được đưa vào hoạt động, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Mại thông tin, doanh nghiệp FDI hiện chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước liên tục nhập siêu. Nhờ xuất siêu của khối FDI, Việt Nam đã xuất siêu 1,64 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI cũng đang được lan rộng. Ông Mại dẫn chứng: cách đây vài ngày, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam công bố đơn vị này đã có 190 doanh nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam, trong đó có 12 nhà cung ứng cấp 1. Đấy là tín hiệu đáng mừng.

“Khối FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách và khoảng 20% vào GDP Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, sự đóng góp của FDI không chỉ quan trọng với vấn đề kinh tế mà còn tạo thế mạnh cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”, ông Mại nhận định.

“Nhà đầu tư đến Viêt Nam không chỉ vì tiền, mà còn để chia sẻ”

Cũng tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã có những chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp FDI.

Theo Bộ trưởng Dũng, nhà đầu tư nước ngoài đến đây không chỉ vì tiền, vì lợi ích, mà còn để chia sẻ với nền kinh tế Việt Nam.

“Đâu đó vẫn có một số doanh nghiệp chưa tốt, để ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế, chiếm diện tích đất quá nhiều, triển khai dự án chậm...”, ông Dũng nói và cho biết: Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Số doanh nghiệp hoạt động chưa được nghiêm túc là thiểu số.

“Chúng tôi nghĩ rằng, không có nhà đầu tư nước ngoài nào làm ăn có uy tín, quy mô đầu tư lớn lại có ý nghĩ làm ăn vi phạm ở quốc gia sở tại”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Các doanh nghiệp FDI vẫn là thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài có những chuyển dịch, xoay trục và coi Việt Nam như điểm đến, là ngôi nhà của mình và đóng góp cho Việt Nam.

Ông cho rằng, có hiện tượng trên do một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ chưa nghiêm, hoặc do hệ thống pháp luật của Việt Nam thực hiện chưa đồng bộ, chặt chẽ, hoặc khâu kiểm tra giám sát chưa đảm bảo…

Chia sẻ với BizLIVE bên lề hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, để xảy ra các vấn đề như ô nhiễm môi trường... trách nhiệm một phần thuộc về các cơ quản lý.

“Cơ quan quản lý chưa làm tốt vai trò hậu kiểm nên dễ xảy ra những hiện tượng như vậy. Bên cạnh việc xử lý sai phạm của các doanh nghiệp, cần quy trách nhiệm cơ quan có trách nhiệm”, ông Mại nhấn mạnh.

MẠNH NGUYỄN

: