Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ

24/12/2016  
79

Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ

Ngành bán lẻ “hiện đại” – so sánh với chợ truyền thống – chỉ thu hút khoảng 20-25% tiêu dùng của người Việt.

Tổng quan tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, tờ Financial Times của Anh nhận xét các số liệu đang minh chứng đà bùng nổ, khi tăng trưởng GDP quý I đạt 6%.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sức tiêu thụ hàng tiêu dùng cơ bản ì ạch cho thấy tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp vẫn đang tìm cách căn cơ túi tiền.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, mang lại lợi ích trước tiên cho nhóm trung lưu đô thị, tờ báo chỉ ra.

Thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện đáng kể nhờ số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, hoạt động sản xuất mở rộng, kiều hối tăng và lãi suất tiền gửi, cho vay giảm.

Kết quả là ngành bán lẻ của Việt Nam đang trở thành thỏi nam châm thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngành bán lẻ “hiện đại” - so sánh với chợ truyền thống - chỉ thu hút khoảng 20-25% tiêu dùng của người Việt. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ 46% của Thái Lan, 53% của Malaysia và 64% của Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ

Nguồn số liệu: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất châu Á.

Đây cũng là thị trường đang được Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan “nhòm ngó”. Năm ngoái, tập đoàn đã đàm phán chi 876 triệu USD để mua lại chuỗi 19 siêu thị của Metro tại Việt Nam - chuỗi siêu thị lớn thứ 2 sau Co-opmart Mart.

BJC cũng mua lại chuỗi cửa hàng tiện ích B’s Mart và dự định mở thêm 300 cửa hàng tiện ích khác. Nếu thành công, số cửa hàng tiện ích của BJC tại Việt Nam sẽ vượt mặt chuỗi Shop&Go đang giữ ngôi thống lĩnh về số lượng.

Ngoài ra, có thể kể tên một số hãng bán lẻ khác cũng đang quyết liệt mở rộng hoạt động tại Việt Nam như Big C; Aeon Mall, Family Mart và Ministop của Nhật Bản; Lotte Mart của Hàn Quốc.

Hiện các nhà bán lẻ nước ngoài mới chiếm khoảng 5% thị phần, nhưng là nhóm phát triển nhanh nhất.

Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ

Nguồn số liệu: Asean Confidential

Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ một tay chơi nội - Vingroup. Mới đây, tập đoàn này đã chính thức thâm nhập địa hạt bán lẻ bằng cách mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn dệt may Việt Nam tại Công ty thương mại và thời trang Việt Nam. Thương vụ này cho phép công ty tiếp cận cơ sở vật chất phân phối của Tập đoàn dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, Vingroup cũng đề xuất mua lại 80% cổ phần cảng Hải Phòng và Sài Gòn.

Vingroup đặt mục tiêu mở 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart trong vòng 3 - 4 năm tới. Công ty con VinE-com đang lên kế hoạch ra mắt cổng mua sắm trực tuyến, "đấu" với trang Lazada của Rocket Internet.

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250 – 300 siêu thị mới, tăng gấp 40% so với hiện tại, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Số cửa hàng tiện ích sẽ tăng thêm 3 lần lên khoảng 1.500 cơ sở.

Tuy nhiên đây vẫn chưa phải con số phản ánh hết tiềm năng thị trường. Đặt trong so sánh, Thái Lan có tới hơn 10.000 cửa hàng tiện ích, trong khi dân số chỉ bằng 3/4 của Việt Nam.

Nhưng không có nghĩa là không có những rủi ro. Việc các hãng ồ ạt đổ bộ để nắm bắt lợi thế của người đi tiên phong có thể dẫn đến nguồn cung thừa mứa, nhất là nếu kinh tế Việt Nam chưa hồi phục thực sự vững vàng, Financial Times cảnh báo.

LỀ PHƯƠNG

: