Giữ chân doanh nhiệp FDI - Bài 2: Lo thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng

12/9/2021  
120
Các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI Đà Nẵng đang đối mặt với nỗi lo thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng... cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. 
THÀNH VÂN - THU HỒNG
12, Tháng 09, 2021 | 06:30
 
Thiếu hụt lao động
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, tính đến giữa tháng 7/2021, luỹ kế số dự án FDI trên địa bàn thành phố là 910 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 3,863 tỷ USD. Riêng Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp thu hút được 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.854 triệu USD.
 
Giữ chân doanh nhiệp FDI - Bài 2: Lo thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Ba Sao (Đà Nẵng). Ảnh: Thành Vân.

Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp FDI vừa phải nỗ lực duy trì sản xuất vừa phải phòng chống dịch. Dịch bệnh kéo dài và bùng phát mạnh như hiện nay khiến hầu hết các doanh nghiệp gặp khó về nguồn nhân lực, thị trường, chuỗi cung ứng hàng hoá…
 
Ông Bùi Minh Vũ, đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng - là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Foster Nhật Bản cho biết, từ giữa tháng 7, công ty đã kích hoạt mô hình "3 tại chỗ" để sắp xếp khu vực làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí cho khoảng 60 lao động Quảng Nam không thể về quê do dịch. Chủ trương của doanh nghiệp là cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân ở mức cao hơn hoặc bằng so với ở nhà. “Hiện đơn hàng rất nhiều nên công ty rất cần lao động. Nếu để đứt gãy chuỗi sản xuất, đối tác sẽ chuyển sang đặt hàng với các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, Myanmar, Đài Loan”, ông Vũ nói. Tương tự, Công ty TNHH May mặc Ba Sao (doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc) cũng đang rơi vào tình trạng thiếu người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đại diện công ty, thời gian qua, đơn hàng vẫn duy trì ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty không thể tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Giữ chân doanh nhiệp FDI - Bài 2: Lo thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng
Sự thành công của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư là sự thành công của thành phố. Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi bạn hài lòng nhất.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Ngược lại, Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng là công ty trực thuộc Tập đoàn MORITO Nhật Bản chuyên sản xuất hàng may mặc, hàng phụ trợ may mặc xuất khẩu 100% sang thị trường Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng tiêu thụ của thị trường Nhật giảm mạnh. Đơn hàng may đồng phục bị giảm 50% do ảnh hưởng của dịch, thị trường tiêu thụ của đối tác bị chậm lại. Bà Lê Thị Hồng Thủy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng cho biết, hiện công ty đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường để tiêu thụ. Trước nguy cơ kế hoạch sản xuất của năm có thể bị đe dọa, khó đạt doanh thu như mục tiêu đề ra, công ty hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh.

Trong thời gian Đà Nẵng thực hiện phong tỏa cứng toàn thành phố, thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”, thực tế doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một trong số đó là chi phí rất lớn để thực hiện "3 tại chỗ", nếu kéo dài sẽ tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp cũng như sức khoẻ, tâm lý của công nhân cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp FDI cho rằng, các công nhân “3 tại chỗ” trước khi vào công ty đã được xét nghiệm âm tính, giờ yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần sẽ tạo thêm áp lực, chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có 500 công nhân thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng sẽ mất khoảng 1 tỷ đồng. Từ những khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp FDI mong muốn thành phố sớm triển khai tiêm vaccine đến các công nhân, người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp mong có sự đồng hành của chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi phí sản xuất thông qua các chính sách giảm tiền điện, nước, giãn nộp các loại thuế, phí… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị TP. Đà Nẵng xem xét giảm tần suất xét nghiệm trong thời gian công nhân thực hiện "3 tại chỗ" tại công ty. Cấp bách hỗ trợ, giữ chân doanh nghiệp FDI

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, việc hỗ trợ, giữ chân doanh nghiệp FDI là một trong những vấn đề cấp bách mà Đà Nẵng đặt ra. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI sản xuất trong trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất đang lo sợ đứt gãy chuỗi lao động, nếu không giữ chân được nguồn lao động thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất lớn. Do đó, thành phố đang nỗ lực tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Tường cho biết thêm, việc sản xuất “3 tại chỗ” gây ra nhiều tốn kém về chi phí, nên coi đây chỉ là biện pháp tạm thời, không thể kéo dài mãi. Hiện thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, để những người tiêm đủ vaccine sớm trở lại với công việc bình thường.

Vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cũng cho biết, đối với các doanh nghiệp FDI ngoài khu công nghiệp, ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. "Hiện nay, Sở KH&ĐT đang rà soát các khó khăn, kiến nghị của các doanh nghiệp FDI ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đó, đơn vị sẽ có những đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp", ông Tường nói.

Giữ chân doanh nhiệp FDI - Bài 2: Lo thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng dịch tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: Thành Vân.

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, sau thời gian thành phố áp dụng các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát. Trong tình hình chung đó, các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, sau thời gian dài gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn nên Ban đang ghi nhận tất cả các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp để có cơ sở đề xuất với lãnh đạo thành phố triển khai nhanh chóng, linh hoạt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Cụ thể, hỗ trợ các vấn đề như: miễn, giảm, giãn nộp các loại thuế, phí, gia hạn tiền đất, hạ tầng nếu có, ban hành gói ưu đãi lãi suất… cho doanh nghiệp trong năm 2021 và 2022.

“Nhằm giữ chân các doanh nghiệp FDI hiện hữu trong các khu công nghiệp hiện nay, Ban đang cố gắng tháo gỡ các vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong khả năng của mình. Nếu ngoài khả năng sẽ báo cáo thành phố, trung ương để có hướng giải quyết cho các doanh nghiệp FDI”, ông Sơn nói và cho biết sắp tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp FDI để ghi nhận những khó khăn mà họ đang gặp phải để có giải pháp tháo gỡ.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp FDI để đưa các chuyên gia, người lao động nhập cảnh vào Việt Nam nhằm kịp thời triển khai dự án theo đúng quy trình, thủ tục và các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động kinh doanh và chống dịch.

“Chính quyền thành phố mở rộng các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp, tăng cường gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp FDI nhằm xây dựng một môi trường đầu tư bền vững”, bà Trâm nói.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, sự phát triển của Đà Nẵng không thể không nói đến sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh như công khai, minh bạch về tài nguyên đất đai, cải cách thủ tục hành chính với tinh thần đúng pháp luật nhưng nhanh gọn, thuận lợi nhất; sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Sự thành công của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư là sự thành công của thành phố. Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi bạn hài lòng nhất”, ông Chinh nói.

Giảm giá đất hỗ trợ doanh nghiệp Do ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng phải đóng cửa, phá sản, trong khi vẫn phải nộp tiền thuê đất theo quy định. Từ thực tế đó, Đà Nẵng đã có chủ trương điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư... Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng đã điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ điều chỉnh từ 80% thành 70% (giảm 10% so với hiện nay), giá đất sản xuất kinh dianh điều chỉnh từ 60% thành 50% (giảm 10% so với hiện nay). Việc điều chỉnh giảm nêu trên sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư. Ngoài ra tỷ lệ % giá thuê đất cũng được điều chỉnh giảm, đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm trên địa bàn thành phố giảm từ 2% xuống 1%, đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%...

(Còn nữa)

Nguồn: Nhàđầutư

 

: