"Tôi đồng tình với anh Trương Đình Tuyển và anh Võ Trí Thành, không nên quá định kiến với đầu tư từ Trung Quốc, mà phải tranh thủ cơ hội khi nước này gặp khó khăn, một số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam để tận dụng quy định về “xuất xứ sản phẩm” để tránh thuế quan của Mỹ", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có xu hướng căng thẳng tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam thì 8 tháng của năm 2019 nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng gần 7%, thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng và đầu tư nước ngoài (FDI) là một mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/8/2019, ước tính vốn FDI thực hiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 2.406 dự án mới, tăng 25,4% số dự án với vốn đăng ký 9,13 tỷ USD, bằng 67,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính lũy kế đến ngày 20/08/2019, cả nước có 29.532 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 353,7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 203,45 tỷ USD, bằng 57,5% tổng vốn đăng ký. Có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với 64,87 tỷ USD, chiếm 18,3%, Nhật Bản đứng thứ hai với 58,23 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đăng ký, tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Hồng Kông.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã có dự án FDI, trong đó TP.HCM dẫn đầu với 45,9 tỷ USD, chiếm 13%, thứ hai là Bình Dương với 33,3 tỷ USD, chiếm 9,4%, Hà Nội với 32,7 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đăng ký. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), những tư liệu về FDI đã chứng minh tính hấp dẫn của thị trường nước ta, như nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá, Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo GS Nguyễn Mại, cách đây hơn 10 năm, các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu chiến lược "Trung Quốc +1", khi nước này đã coi trọng hơn chính sách khuyến khích đầu tư trong nước, tăng cường đầu tư ra nước ngoài, giảm bớt ưu đãi đối với FDI và kiểm soát chặt hơn hoạt động của khu vực FDI. Tuy vậy, Trung Quốc là thị trường của 1,4 tỷ người, tăng trưởng 8-9%/năm, là công xưởng của thế giới, nên không có đối thủ trong việc thu hút FDI. Những năm gần đây, nền kinh tế của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm sút.
Nhất là từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đến nay thì làn sóng chuyển dịch vốn FDI ra khỏi nước này có xu hướng tăng, khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ hơn, khiến cho việc di dời nhà máy trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế. Cũng theo ông, nhận định về Trung Quốc như một công xưởng thế giới với chi phí lao động thấp trong hai thập kỷ qua không còn đúng nữa. IMA ASIA ước tính tiền lương ở Trung Quốc đã tăng từ 2,01 USD/giờ năm 2010 lên 3,9 USD/giờ năm 2016. Mức lương này là khá cao khi so sánh với tiền lương sản xuất trung bình ở Việt Nam chỉ gần 1-1,4 USD/giờ.
Tăng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự dịch chuyển. Các thành phố lớn như Thượng Hải có tiền thuê đất công nghiệp 180 USD/m2, cao hơn các thành phố Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam chỉ ở mức 100-140 USD/m2. Tập đoàn Samsung Electronics công bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc vào cuối năm 2018, chuyển sản xuất sang Việt Nam, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hổ trợ, đến giữa năm 2019 đã có hơn 200 nhà cung cấp, tong đó có 29 là vender cấp 1, nâng tỷ lệ nội hóa từ 34% năm 2014 lên 57% tổng giá trị sản phẩm năm 2018.
Tháng 3/2019, Tập đoàn LG đã dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng. tăng 83%, công suất sản xuất Việt Nam đạt 11 triệu thành phẩm từ nửa cuối năm 2019. Theo hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng Panjiva, công ty Nintendo, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty Nhân sự Navigos đã nhấn mạnh tác động đến thị trường lao động do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm cách chuyển nhà máy và đầu tư vốn tại các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Công ty luật Baker McKenzie cho biết 93% công ty Trung Quốc đang xem xét thực hiện một số thay đổi chuỗi cung ứng, trong đó 18% chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, 58% thay đổi lớn, 17% thay đổi nhỏ để đối phó với cuộc chiến thương mại; chỉ có 7% doanh nghiệp không thay đổi. Gần đây đã có những quan điểm khác nhau đối với đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam. Một số chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), cho rằng: “Không thể ngăn chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cần xử lý nghiêm những đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra, giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng". TS Võ Trí Thành nhận định nghiên cứu đầu tư của Trung Quốc do VEPR công bố hơi bị “ám ảnh”; kể lại phát biểu của một nhà khoa học người Thái Lan: “Bà này có đặt vấn đề người ta hay nói về vốn Trung Quốc không xanh, không sạch lại đắt nhưng sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này?”.
Cho nên, khi nhìn vào dòng vốn đầu tư Trung Quốc cần nhìn bằng lý trí, bằng thống kê rõ ràng, chứ không nên dựa vào cảm tính. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc. “Ngay bản thân tôi cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá”, ông đề cập đến thực tế có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua. Theo ông Tuyển, quyền chọn dự án, chọn đối tác là ở chúng ta. “Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên”, ông Trương Đình Tuyển phân tích.
"Tôi đồng tình với Anh Trương Đình Tuyển và Anh Võ Trí Thành, không nên quá định kiến với đầu tư từ Trung Quốc, mà phải tranh thủ cơ hội khi nước này gặp khó khăn, một số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam để tận dụng quy định về “xuất xứ sản phẩm” để tránh thuế quan của Mỹ, sản xuất hàng xuất khẩu từ nước ta. Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm nhập vật tư nguyên liệu từ Trung Quốc, tăng giá trị gia tăng, giảm nhập siêu nhất là từ Trung Quốc; do đó hai bên cùng có lợi. Vấn đề là thực hiện có trách nhiệm về quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư thích ứng với định hướng mới về công nghệ, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; cảnh giác luôn là cần thiết, nhưng cũng cần xây dựng lòng tin với đối tác hài hòa lợi ích thì mới hợp tác có hiệu quả", GS Nguyễn Mại nói thêm.
PV - nhadautu.vn