Hậu TPP, vốn FDI có “thận trọng” với Việt Nam?

24/12/2016  
177

Trong cuộc trao đổi với BizLIVE về tác động TPP với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tới đây, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) tỏ ra lạc quan khi cho biết TPP mở ra hi vọng một làn sóng mới đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.

Ông Mại lý giải, TPP giảm thuế suất nhập khẩu giữa 2 bên như vậy với triển vọng thương mại 2 bên tăng trưởng nhanh, mục tiêu của Việt Nam đến 2020 kim ngạch xuất khẩu tăng 300 tỷ USD, các doanh nghiệp Mỹ sẽ nhắm vào sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu sang Mỹ.

Chủ tịch VAFIE nhận xét, cho đến bây giờ sau khi có Hiệp định thương mại BTA với Mỹ, thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng gấp hàng chục lần nhưng đầu tư vào Việt Nam tăng lên không đáng bao nhiêu và vẫn ở mức thấp.

Trong cuộc tọa đàm phỏng vấn trực tiếp "TPP-Hiệp định thế kỷ" do Zing tổ chức, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, vốn FDI thực chất từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam đã rất nhiều, thường là thông qua các công ty chi nhánh của Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Lan hoặc Anh… Mỹ cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất ở ASEAN với hơn 200 tỷ USD đến năm 2013.

"Nếu tỷ lệ nguồn vốn mà Việt Nam nhận được trong số này không đáng kể, chúng ta phải nghiên cứu những lý do", ông Herb Cochran nói.

Ông Herb Cochran cũng cho biết, mới đây một phái đoàn quy mô từ AmCham Singapore đến tìm hiểu và làm việc rất quan tâm đến cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

"Tuy nhiên, họ thận trọng vì cho rằng Việt Nam là thị trường đang phát triển, đang trong quá trình hội nhập", ông nói.

Cuối cùng, theo ông Herb Cochran, thời gian qua những dự án FDI vào Việt Nam để đón đầu TPP đã lên đến 3 tỷ USD nhưng thành công của dự án này đến đâu, Việt Nam thực hiện các cam  kết quy định theo TPP cũng như cải cách thế nào… sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút FDI.

Đóng góp ý kiến liên quan đến vai trò của doanh nghiệp FDI, chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan cho biết, thời gian vừa qua tuy thu hút được FDI khối lượng lớn và vai trò của đầu tư nước ngoài tăng lên, nhưng dường như khu vực doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài lại đang chèn lấn đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hơn là mang lại sự hỗ trợ hoặc những tác động lan tỏa tích cực.

"Điều này khiến cho dù chúng ta có thành tích tăng trưởng GDP hay thành tích xuất khẩu tăng cao nhưng thực tế lợi ích mà đông đảo doanh nghiệp và người dân nhận được lại không tương xứng", bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, khi Việt Nam tham gia WTO cũng đã có kỳ vọng rất lớn trước những cơ hội WTO mang lại tuy nhiên, thực tế 8 năm tham gia WTO chưa mang lại cho Việt Nam những thành công như mong đợi.

"Điều đó chủ yếu do những vấn đề lớn của kinh tế trong nước, từ mô hình tăng trưởng không hợp lý, đến những bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

TÂM AN

: