Khởi đầu làn sóng FDI thứ ba(Bài 1)

23/12/2016  
104

Bài 1: Cơ hội gia tăng vốn FDI

- I -

Kết thúc năm 2015, vốn FDI đăng ký là 22,757 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2014), vốn thực hiện là 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm 2014). Nhiều dự án FDI có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Một số đại công trường đã và sắp được hoàn thành như Nhà máy điện tử gia dụng của Tập đoàn LG tại Hải Phòng (vốn đầu tư 1,5 tỷ USD), hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung (vốn đầu tư 7 tỷ USD) tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất smartphone của Nokia - Microsoft (vốn đầu tư 1,5 tỷ USD) tại Bắc Ninh, Khu liên hợp hóa dầu của nhà đầu tư nhiều nước với vốn đầu tư trên 9 tỷ USD tại Thanh Hóa, Khu liên hợp gang thép Formosa với vốn đầu tư trên 10 tỷ USD tại Hà Tĩnh, Nhà máy điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại TP.HCM…

Những sản phẩm của các dự án này sẽ làm gia tăng nhanh chóng sản lượng công nghiệp, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, công nghiệp và dịch vụ chiếm 85% GDP, tạo thêm một số mặt hàng công nghiệp hiện đại cho xuất khẩu, hướng đến cân bằng cán cân thương mại quốc tế và xuất siêu một cách bền vững như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Tháng 1/2016, FDI tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng của năm 2015 và xuất hiện những tín hiệu mới gắn với thành tựu kinh tế - xã hội của năm trước và nhiều hiệp định thương mại tự do mới dần được thực hiện. Do đó, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đều dự báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2020.

- II -

Để đạt được mục tiêu 3.300 - 3.500 USD/người vào năm 2020, vốn đầu tư xã hội 32 -34% GDP, thì trung bình hàng năm nước ta cần khoảng 90 tỷ USD vốn đầu tư xã hội.

Kinh nghiệm huy động vốn đầu tư trong gần ba thập niên từ khi đổi mới và hội nhập, 70% là nguồn vốn trong nước (bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước, vốn doanh nghiệp tư nhân và dân cư); 30% là nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA), FDI và các nguồn vốn nước ngoài khác. Với tỷ lệ này, trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phải huy động khoảng 23 - 25 tỷ USD/năm vốn nước ngoài, trong đó 17 - 18 tỷ USD là FDI.

Cũng phải nói thêm, ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức: viện trợ không hoàn lại (chiếm khoảng 10-12%), vay ưu đãi (khoảng 80%) và  hỗn hợp (chiếm khoảng 8-10%). Từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị ODA cam kết đạt 89,5 tỷ USD, trong đó đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, đã giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, bình quân gần 2,7 tỷ USD/năm. Trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), nợ nước ngoài đến hạn phải trả (cả vốn và lãi) tăng lên, dự báo ODA không còn ưu đãi như trước và giảm dần. Để bù đắp việc giảm ODA thì cần coi trọng hơn vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp.

Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vốn FDI không (?). Trong bối cảnh mới của tình hình khu vực, thế giới và trong nước thì câu trả lời là có thể. Có 5 lý do để tin vào điều này.

Một là, báo cáo công bố ngày 24/6/2015 của UNCTAD cho biết, tổng vốn FDI toàn cầu năm 2014 giảm 16% so với năm trước đó, đạt 1.230 tỷ USD; năm 2015 có thể đạt 1.400 tỷ USD (tăng 11%) và hai năm kế tiếp đạt lần lượt 1.500 tỷ USD và 1.700 tỷ USD. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, FDI toàn cầu đã chạm tới con số 2.000 tỷ USD vào năm 2007.

Với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn.

Hai là, xu hướng mới của FDI vào châu Á đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn là phương án số 1. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, xuất hiện nhiều dấu hiệu của giai đoạn suy thoái, môi trường đầu tư không được cải thiện, nên trào lưu rút vốn khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới rất tệ hại, khoảng 1.000 tỷ USD, gấp 7 lần năm 2014.

Báo Người Thượng Hải dẫn từ kết quả khảo sát môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc cho thấy, 25% doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định rằng, họ đã chuyển hoặc đang có kế hoạch chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc; một nửa trong số đó có ý định chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước châu Á đang phát triển, còn 40% chuyển về Mỹ, Canada và Mexico. Trong 3 năm 2013 - 2015, 25% doanh nghiệp Mỹ có văn phòng đại diện ở Trung Quốc đã rời khỏi nước này. Chi phí lao động, thách thức về thể chế, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là những lý do chính khiến doanh nghiệp Mỹ quyết định chuyển ra ngoài Trung Quốc.

Ba là, với việc hành thành Cộng đồng ASEAN (AC) trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra khu vực. Thu hút FDI chịu sự điều chỉnh của Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết tháng 2/2009 và có hiệu lực từ 29/3/2012, thay thế cho Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư ASEAN (IGA) năm 1987 và Hiệp định Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) năm 1998.

ACIA bao gồm 4 nội dung chính: Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư. Phạm vi điều chỉnh của ACIA bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Tự do hóa bao gồm các ngành dịch vụ (thuộc phạm vi điều chỉnh của AFAS về dịch vụ) còn có nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ liên quan.

ACIA mở rộng về phạm vi định nghĩa nhà đầu tư, ví dụ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khối tại một nước ASEAN khi đầu tư sang một nước ASEAN khác được coi là nhà đầu tư ASEAN.

ACIA quy định về các biện pháp/yêu cầu đối với đầu tư bị cấm mà các nước thành viên không được phép sử dụng (ví dụ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, cân bằng cán cân thanh toán). ACIA quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trực tiếp giữa nhà nước và nhà đầu tư. ACIA tạo ra cơ hội thuận lợi hơn đối với thu hút FDI của nước ta trong giai đoạn mới.

Bốn là, với các hiệp định thương mại tự do mới, rào cản về thuế quan về cơ bản được dở bỏ, tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa nước ta với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, tác động tích cực đến FDI từ những nước đó vào Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 49% trong tổng số gần 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Các nhà đầu tư châu Âu cũng kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên do cam kết của EU đối với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất của EU trong các hiệp định thương mại tự do gần đây của EU, không chỉ tăng nhanh  kim ngạch thương mại hai chiều mà dự báo FDI từ các nước thành viên EU vào Việt Nam sẽ gia tăng.

Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Công nghệ cao Solvay của Bỉ (trong 12 năm theo đuổi dự án tốn kém 140 triệu euro, đã tạo ra 25 công nghệ mới nhằm tăng hiệu suất pin mặt trời, chế tạo ắc quy nhẹ hơn và cung cấp điện trong thời gian dài hơn) đánh giá Việt Nam là đất nước đang tăng trưởng hấp dẫn, giúp tập đoàn này mở rộng đầu tư tại châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN, là quốc gia lớn thứ hai nhận các khoản đầu tư về hóa chất sau Singapore.

Ông Vincent Decuyper, thành viên của Ban điều hành Tập đoàn Solvay cho biết: "Tập đoàn Solvay hướng tới giải pháp phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho khách hàng và các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Hợp tác với các đối tác trong nước là rất cần thiết để biến các dự án công nghiệp, các dự án thương mại và nghiên cứu thành công". Tập đoàn Solvay đang tăng cường kết nối kinh doanh và mở rộng tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam, thành lập một chi nhánh tại TP.HCM.

Do các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu và 23% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014, nên nhiều nhà phân tích dự đoán. khi TPP được thực hiện thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam nhằm tận dụng sự bùng nổ thương mại trong các nước tham gia TPP.

Theo tờ Nikkei Asian Review, Việt Nam ngày càng tăng cường được lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài. Ngay từ đầu năm 2016, nhiều tên tuổi lớn như Công ty dịch vụ truyền hình của Mỹ Netflix and Chill, hãng bia của Thái Lan Singha Asia đã công bố dự án đầu tư vào Việt Nam. Hãng bán lẻ Nhật Bản 7 - Eleven cũng đang triển khai tích cực để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4/2017.

Năm là, môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện rõ rệt. Những nhân tố về ổn định chính trị, an ninh xã hội của nước ta trở nên nổi trội trong điều kiện thế giới bất ổn, nhiều nước trong khu vực phải đối phó với đảo chính, các cuộc biểu tình chống chính phủ, khủng bố quốc tế, xung đột tôn giáo, sắc tộc. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp và an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ là những nhân tố tích cực của giai đoạn mới.

Các nhân tố trên tạo ra cơ hội mới, rất thuận lợi để nước ta gia tăng nhanh vốn FDI theo hướng chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội hơn, tiếp cận với mục tiêu của nền “kinh tế xanh”, tạo ra đời sống vật chất và tính thần ngày càng tốt hơn cho các tầng lớp dân cư.

(Còn tiếp)

GS-TSKH Nguyễn Mại

: