“Món nợ” chính sách FDI

23/12/2016  
111

Sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giờ đây với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, sẽ và có hiệu lực trong thời gian tới, vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận vẫn đau đáu với câu hỏi về chất lượng của nguồn vốn này.

Làn sóng đầu tư thứ ba

Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, làn sóng FDI thứ ba đã bắt đầu từ năm 2015, khi tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm tính đến ngày 20/12/2015 – theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài – là 22,76 tỷ USD. Con số thực tế chắc chắn sẽ vượt 23 tỷ USD, bởi chỉ tính riêng khoản vốn tăng thêm của Dự án Samsung TP.HCM – được trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vào những ngày cuối năm 2015, cũng đã là 600 triệu USD. Năm 2015 thực sự là một năm thu hút FDI thành công của Việt Nam, khi không chỉ vốn đăng ký mà cả vốn giải ngân (14,5 tỷ USD) cũng đạt mức tăng cao so với năm trước.

Tháng 1/2016, với 1,33 tỷ USD vốn đăng ký, FDI vào Việt Nam đã cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn thực hiện ước đạt 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015. Những động thái tích cực đầu tiên, báo hiệu một năm 2016 thu hút FDI có thể sẽ suôn sẻ và đạt thành tích cao hơn, khi hàng loạt FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường dốc vốn vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây đã tăng lên đáng kể. Chỉ lấy ví dụ việc các đại gia công nghệ, như Samsung, Intel, Microsoft, LG… không ngừng tăng vốn đầu tư để biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình đã phần nào chứng minh điều này. Song, một cách thẳng thắn mà nói, vẫn còn không ít băn khoăn về chất lượng và sức lan tỏa của dòng vốn này đối với kinh tế – xã hội Việt Nam.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc doanh nghiệp Việt hầu như chẳng được lợi gì nhiều từ các hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI. “Chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan và chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia”, bà Lan viện dẫn và khẳng định, cả liên kết ngược lẫn liên kết xuôi giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Dù trong câu chuyện này, lỗi không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp FDI mà chủ yếu từ phía doanh nghiệp Việt, song điều này phần nào cũng đã cho thấy chất lượng dòng vốn FDI và mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam chưa được như kỳ vọng.

Chưa kể, nhiều thông tin gần đây cho thấy, khi các FTA có hiệu lực, thì được lợi hơn cả vẫn là khu vực FDI. Khu vực này hiện đóng góp tới 65-70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng nhiều dự án quy mô lớn của khu vực FDI vẫn chủ yếu dừng ở gia công, lắp ráp, khiến giá trị gia tăng Việt Nam thu được không lớn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Lỗi trước hết nằm ở cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, ở cơ chế, chính sách và bản thân sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhiều lần khẳng định.

Món nợ lớn

Sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI vào năm 2013, tất cả các ưu – khuyết điểm, thành tựu và hạn chế của ¼ thế kỷ thu hút FDI đã được Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, cũng như các chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận. Đây chính là cơ sở để cuối năm đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI thời gian sau đó.

Quan điểm, định hướng thu hút FDI đã được vạch ra. Các giải pháp thực hiện cũng đã được hoạch định. Vào thời điểm ấy, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với việc thực hiện Nghị quyết này.

Hơn 2 năm rưỡi trôi qua, đã đến lúc cần soi lại xem Nghị quyết 103/NQ-CP đã được thực hiện đến đâu. Để thực hiện Nghị quyết này, 60 nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều phần việc cần phải sớm hoàn tất, như xây dựng Quy chế Quản lý Nhà nước về xúc tiến đầu tư, nghiên cứu xu hướng đầu tư của một số đối tác chiến lược; nghiên cứu cơ chế để chống chuyển giá hay xây dựng đề án thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, xây dựng Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi FDI… Sau nữa là các phần việc liên quan đến sửa Luật Đầu tư, nghiên cứu và xây dựng Luật Khuyến khích và Phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Chừng nào ngay cả những “món nợ” chính sách Việt Nam cũng chưa trả được thì chừng đó vẫn còn nhiều quan ngại về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa của dòng vốn FDI Những hoạt động an sinh xã hội của Agribank đã góp phần thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống.

Rà soát lại, có thể thấy khá nhiều phần việc đã được hoàn tất, chẳng hạn như nỗ lực sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo hướng trao quyền tự do kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi FDI cũng đã hoàn tất. Hệ thống thông tin quốc gia về FDI đã được vận hành…

Song, nếu soi kỹ vẫn còn khá nhiều nhiệm vụ mà Chính phủ giao để nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó lớn nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song vẫn còn đó khá nhiều món nợ lớn. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… và các địa phương đều được giao nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết, nhưng mức độ thực hiện rất khác nhau.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI đã bày tỏ tiếc nuối: “Khi Nghị quyết 103 được ban hành, chúng tôi đã đặt rất nhiều hy vọng vào đó, để làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI. Nhưng thời gian trôi qua, không còn nhiều người nhắc đến việc thực thi Nghị quyết này nữa”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 1617 về Tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI trong thời gian tới. Cũng đã có 32 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương với thời hạn cụ thể. Nhưng nhiều nhiệm vụ trong số này chưa hoàn thành. Đáng lưu ý, trong số đó bao gồm cả việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thách thức phía trước

FDI năm 2015 Vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm:> 23 tỷ USD Vốn giải ngân: 14,5 tỷ USD

Khi mà món nợ chính sách chưa trả xong thì Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với cạnh tranh thu hút FDI với các đối thủ lân cận. “Ấn Độ đang nổi lên là một đối thủ lớn”, vẫn vị chuyên gia kỳ cựu nhận định. Ông cho rằng, với việc Thủ tướng Narendra Modi đã phát động nhiều chiến dịch như “Made in India”, “Skill India”, “Digital India”… nhằm thu hút FDI vào ngành chế tạo, phát triển kỹ năng và khai thác nguồn nhân lực dồi dào trong nước, Ấn Độ đang trở thành một điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2014, Ấn Độ đã xếp thứ 5 trên thế giới về thu hút FDI, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Mexico. Nhưng năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến lớn của Ấn Độ trên con đường trở thành điểm đầu tư ưa thích của các công ty nước ngoài, khi quốc gia Nam Á này đã lần đầu tiên vượt mặt Trung Quốc và Mỹ trở thành nơi thu hút nhiều dự án đầu tư FDI mới nhất trên thế giới, nếu xét về tiêu chí vốn đăng ký đầu tư. Theo số liệu tổng hợp của Financial Times, chỉ trong nửa đầu năm 2015, đã có 31 tỷ USD vốn FDI chảy vào Ấn Độ, nhiều hơn 3 tỷ USD so với Trung Quốc và 4 tỷ USD so với Mỹ.

Trong năm nay, Chính phủ Ấn Độ thậm chí còn tham vọng hơn khi đưa ra mục tiêu tăng số vốn FDI vào nước này lên 45%, bất chấp tình hình chưa thật sự tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7,2% và sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ có Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) đứng thứ 55 trong 125 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới. Rõ ràng, sức hấp dẫn của Ấn Độ là rất lớn. Quốc gia này còn cạnh tranh với Việt Nam cả trong các lĩnh vực thâm dụng vốn và lao động như dệt may, giày dép. Cũng không thể không tính đến áp lực cạnh tranh thu hút FDI từ nội bộ khối ASEAN khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành.

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lắm. Đối thủ nào cũng đáng gờm và đúng như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói, “đối thủ lớn nhất là chính mình”. Chừng nào Việt Nam chưa vượt qua được chính mình, ngay cả những “món nợ” chính sách cũng chưa trả được thì chừng đó vẫn còn nhiều quan ngại về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa của dòng vốn này tới kinh tế – xã hội Việt Nam.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

: