Nhìn lại bức tranh FDI sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO

24/12/2016  
295

Sau khi gia nhập WTO, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng về số tuyệt đối, báo cáo giám sát mới nhất của Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận xét.

Thêm vào đó, cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tích cực, với tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước giảm dần  và tỷ trọng từ khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014. Trong khi đó, mức cao nhất sau khi Việt Nam gia nhập WTO là 30,9% năm 2008, thấp nhất là 21,6% năm 2012, nhưng vẫn vượt so với tỷ lệ trước khi gia nhập tại 14,9% năm 2005 và 16,2% năm 2006.

Giai đoạn 2007-2009 là giai đoạn bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm 2007, vốn FDI đăng ký là 21,35 tỷ USD, gấp 1,78 lần so với năm 2006. Năm 2008 là năm thu hút vốn FDI đăng ký cao nhất, đạt 71,7 tỷ USD, gấp 3,36 lần so với năm 2007.

Sau đó, khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng vốn FDI giảm dần từ năm 2009 đến năm 2011; tăng dần từ năm 2012 đến nay và năm 2014 ở mức 21,9 tỷ USD.

Một số lĩnh vực có số vốn FDI đăng ký ở mức cao là công nghiệp chế biến, chế tạo (141,4 tỷ USD); hoạt động kinh doanh bất động sản (48,3 tỷ USD).

Nguồn vốn FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2007-2014 mức vốn FDI giải ngân tương đối cao, đóng góp vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cao hơn giai đoạn 2001-2006.

Bên cạnh đó, đóng góp của khu vực FDI trong GDP cũng tăng mạnh từ năm 2007 đến nay, nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình giai đoạn 2007-2014 là 56,06 tỷ USD (chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước), trong khi trung bình giai đoạn 2001-2006 là 13,48 tỷ USD (chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu cả nước).

Nhìn lại bức tranh FDI sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO

Năm 2014, xuất khẩu đạt 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu là 9,74 tỷ USD. Ngoài ra, khu vực FDI tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp cho nền kinh tế.

Một trong các ví dụ điển hình trong thu hút FDI là hoạt động của Samsung Việt Nam, riêng nhà đầu tư này đã đóng góp khoản xuất siêu 10 tỷ USD trong 2 năm (năm 2013: 3,9 tỷ USD, năm 2014: 6,1 tỷ USD), tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Hoạt động của Samsung cũng góp phần tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên năm 2014 là 7,9 tỷ USD gấp hơn 80 lần so với năm 2010, xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh năm 2014 là 21,1 tỷ USD gấp 11,3 lần so với năm 2010.

Có thể thấy, quy mô của khu vực FDI được mở rộng nhanh chóng, trở thành một nguồn lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu WTO.

Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là vấn đề cần quan tâm khi các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho Việt Nam chưa rõ nét.

Có ý kiến chuyên gia cũng quan ngại nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta.

Ngoài ra, có sự lo ngại về hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại đang diễn ra nhiều hơn trong các doanh nghiệp FDI, Ủy ban kinh tế Quốc hội lưu ý.

THẢO MAI

: