Những dự án FDI vào Việt Nam ngay đầu năm 2016

24/12/2016  
172

Chiều 6/1/2016, tức là chỉ hai ngày sau khi ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2016 bắt đầu, tỉnh Bắc Ninh đã đón dự án FDI đầu tiên. Đó là dự án Nhà máy may của Công ty TNHH Maple (Singapore), triển khai tại KCN VSIP Bắc Ninh.

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Dự án có vốn đầu tư 110 triệu USD, với kế hoạch sản xuất 22 triệu sản phẩm/năm và sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2018 - năm mà theo dự kiến, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Những dự án FDI vào Việt Nam ngay đầu năm 2016

Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh đã đón những dự án đầu tiên trong năm 2016 

Trong khi đó, hôm qua (7/1), Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư mới, trong đó có dự án của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia). Với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD, nhà đầu tư này dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao.

Không khó để dự đoán, United More đang nhắm đến việc trở thành nhà cung cấp cho Tổ hợp Samsung SEHC, vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2/2016 cũng tại SHTP.

“Đây là dự án FDI đầu tiên đăng ký đầu tư vào tỉnh ngay những ngày đầu năm, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới, một nhiệm kỳ mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã vui mừng phát biểu như vậy tại Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Maple.

Sự hồ hởi cũng là điều nhìn thấy rõ ở các vị lãnh đạo SHTP vào sáng ngày hôm qua. Một điều rõ ràng, việc có những dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư ngay những ngày đầu năm không chỉ là sự khởi đầu tốt đẹp cho riêng Bắc Ninh, hay TP.HCM, mà còn cho cả Việt Nam trong thu hút FDI năm 2016 - năm được dự báo có nhiều thuận lợi lớn để Việt Nam “đón sóng” FDI trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được ký kết và có hiệu lực, trong đó có TPP.

Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là, liệu có thể kỳ vọng gì ở FDI năm 2016? Không dễ để đưa ra câu trả lời này, bởi lẽ thành tích thu hút khoảng 23 tỷ USD vốn FDI của năm 2015 là không đơn giản để vượt qua. Năm 2015 có kết quả này là vì có tới 5dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư mới hoặc tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 8,2 tỷ USD, chiếm trên 35% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm.

Vậy năm 2016, Việt Nam sẽ có gì? Trông chờ lớn nhất đã từng được đặt ở Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), vốn đầu tư dự kiến 22 tỷ USD. Chỉ cần dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư, không còn bất cứ lo ngại vào về chuyện có hay không hoàn thành kế hoạch thu hút FDI tính theo năm. Song thông tin mới nhất, như Báo Đầu tư đã đề cập, số phận Dự án còn bấp bênh, bởi chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco còn đang thuê chuyên gia tính toán, nghiên cứu để cơ cấu lại dự án cho phù hợp với biến động giá dầu hiện nay. Câu trả lời về việc đầu tư dự án này ra sao sớm nhất cũng phải tới tháng 6/2016 mới có.

Kỳ vọng còn lại đang được đặt vào các dự án BOT ngành điện, mà quy mô từng dự án đều ít nhất trên dưới 2 tỷ USD, đã nhiều năm nay nghiên cứu mà chưa được cấp chứng nhận đầu tư. Chính phủ mới đây đã hối thúc các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BOT ngành điện và điều này nếu trở thành hiện thực, sẽ đóng góp một ngân khoản lớn cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2016.

Ngoài các dự án này, có thể nhắc tới các kế hoạch đầu tư các dự án của Amata (Thái Lan) ở Quảng Ninh và Đồng Nai, với quy mô vốn cũng lên tới hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, là kế hoạch mở thêm một nhà máy 500 triệu USD nữa ở Việt Nam của Hyosung (Hàn Quốc), hay dự án nâng thêm 500 triệu USD vốn đầu tư tại Việt Nam của Jabil Circuit (Mỹ)...

Nếu mọi việc suôn sẻ, cộng thêm làn sóng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội do các FTA mang lại, Việt Nam cũng sẽ có một năm 2016 rộn ràng trong thu hút FDI. Dù số vốn đăng ký là khó dự báo, song theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì số vốn giải ngân sẽ tiếp tục xu hướng tích cực.

“Năm 2015, vốn FDI giải ngân là 14,5 tỷ USD, theo xu hướng thì có thể năm nay, vốn giải ngân sẽ tiếp tục tăng khoảng 10-15%, thậm chí cao hơn”, ông Thắng dự báo.

Năm 2015, việc một loạt dự án FDI quy mô lớn, như phần tăng thêm 3 tỷ USD của Dự án Samsung Thái Nguyên, hay 3 tỷ USD của Samsung Display, rồi Dự án Liên hợp Thép Formosa Hà Tĩnh... đã đóng góp lớn cho vốn giải ngân.

Chưa năm nào, vốn FDI giải ngân tốt như vậy và kỳ vọng đang tiếp tục được đặt vào năm 2016.

Nguyên Đức

: