Thu hút FDI 6 tháng: Sự chững lại cần thiết

27/12/2016  
107

Thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2015 đã giảm tới gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014. Điểm sáng duy nhất vẫn nằm ở tình hình giải ngân, ước tính được 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% với cùng kỳ năm 2014.

5,5 tỷ USD vốn cam kết trong nửa đầu năm. Đây rõ ràng cách quá xa con số đặt ra trong mục tiêu là 23 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, sự sụt giảm của dòng vốn ngoại trong giai đoạn hiện nay chưa có cơ sở để quá quan ngại, lo lắng.Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, số dự án cấp mới tăng hơn 15,4% và số dự án tăng vốn tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên do không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014, vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, định hướng thu hút FDI hiện nay đã khác so với giai đoạn trước. Nếu trước đây chúng ta thừa lao động, thiếu vốn, thì các dự án FDI thu hút trong giai đoạn trước đã giải quyết được những yêu cầu này. Tuy nhiên hiện nay cục diện đã khác. Việt Nam cần thu hút vốn theo định hướng công nghệ cao, các dự án có chất lượng cao hơn. Do đó tình hình thu hút FDI đã thể hiện “màng lọc” vốn và phát huy tác dụng.

Cũng theo ông Toàn, những nhìn nhận về sự sụt giảm của vốn FDI thực tế cũng không đồng nhất. “Tôi tiếp xúc với nhiều chuyên gia, có người nói rằng các ông cứ lo lắng vì FDI giảm, còn tôi thấy giảm được là tốt, vì đã đến lúc phải dồn lực phát triển DN trong nước”, ông Toàn chia sẻ. Điều này cho thấy trong cục diện hiện nay, vốn FDI đã thực sự cần được gắn với những mục tiêu mới.

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận thẳng thắn là sự chững lại đột ngột của dòng vốn FDI cũng cho thấy NĐT hiện nay đã thận trọng và có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi quyết định lựa chọn quốc gia để đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, đây là tác động tất yếu từ các cơ hội và thách thức mà hội nhập kinh tế hứa hẹn mang lại trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Toàn phân tích, 2015 là năm “bội thu” hội nhập, theo dự tính Việt Nam sẽ hoàn thành đàm phán và ký kết nhiều FTA quan trọng, đơn cử như FTA Việt Nam – EU, hay TPP... Do đó đây cũng là giai đoạn mang tính bước ngoặt. Bởi NĐT hiện nay đang “án binh bất động” chờ đợi những kết quả cuối cùng từ các vòng đàm phán FTA để làm căn cứ cho quyết định đầu tư.

Ông Toàn dẫn chứng, đơn cử như việc hàng loạt DN Hoa Kỳ vừa qua sang tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam là có thật. Vừa qua một số DN lớn như Intel rục rịch chuyển hàng loạt nhà máy điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng đến giờ lại thấy im lìm. Điều này có thể hiểu là NĐT đang thăm dò các động thái từ đàm phán FTA, đồng thời xem xét sự cải thiện môi trường kinh doanh trong nước như cam kết của Chính phủ. Ông Toàn cho biết thêm, đặc điểm của NĐT Hoa Kỳ là họ thăm dò tình hình rất thận trọng, không vội vàng. Tuy nhiên khi đã quyết thì bắt tay vào thực hiện rất nhanh chóng.

Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cải cách thể chế gắn liền với đơn giản hoá các thủ tục đầu tư cũng đang là vấn đề cần cải thiện để thu hút NĐT ngoại. “Giờ đã hội nhập rồi, NĐT đến đâu cũng có sự so sánh giữa các thủ tục của mỗi quốc gia, hội nhập rồi thì không thể chơi một mình”, ông khẳng định. Do đó ông Hoàng kêu gọi các địa phương trong thu hút FDI hiện nay cần khẩn trương tiếp cận với thông lệ quốc tế để đón dòng đầu tư, tránh để lỡ mất chu kỳ đầu tư, mà ông nhấn mạnh lại rằng đây đang là giai đoạn bước ngoặt trong chạy đua thu hút FDI.

Rõ ràng cuộc đua đến mục tiêu nằm trong top 4 nước thu hút FDI nhiều nhất ASEAN vào năm 2016, như lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sẽ ngày càng gắt gao hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lạc quan nhìn nhận, nếu có sự cải thiện môi trường đầu tư và chủ động hội nhập, thì xu hướng từ nay đến sang năm chắc chắn thu hút FDI sẽ tiếp tục tăng lên.

GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài vừa có sáng kiến thực hiện Báo cáo thường niên về Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mục đích của báo cáo nhằm thu thập xử lý thông tin FDI hàng năm, phân tích đánh giá khách quan và khoa học theo hướng bám sát mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam, nhận thức các vấn đề nảy sinh, giải pháp ứng phó, quản lý cũng như kết quả thực thi các giải pháp.

Trên cơ sở đó, dự báo xu hướng mới của FDI thế giới, sự thay đổi chính sách thu hút FDI của các nước trong khu vực, sự dịch chuyển ngành, lĩnh vực kinh tế của FDI toàn cầu và khu vực, từ đó dự báo khả năng nguồn vốn FDI sẽ vào Việt Nam và kiến nghị hệ thống giải pháp để thu hút nhiều hơn, chất lượng hơn vốn FDI quốc tế.

Dự kiến cuốn báo cáo thường niên FDI sẽ được phát hành vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Nếu được thực hiện, đây sẽ là tài liệu hữu ích không những đối với các NĐT nước ngoài, các DN trong nước muốn tham gia vào chuỗi giá trị, mà còn là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý Nhà nước TW và địa phương để có chính sách và giải pháp thu hút và quản lý FDI hiệu quả hơn.

Ngọc Khanh(Thời Báo Ngân Hàng)

: