Thu hút FDI đang đối mặt với nhiều thách thức lớn

15/6/2023  
270
Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư quốc tế ngày càng gay gắt, thể chế, chính sách liên quan đến FDI thiếu tính ổn định, minh bạch, thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, quy mô của phần lớn doanh nghiệp Việt còn nhỏ, lực cản cải cách hành chính còn lớn... là những vấn đề đang đặt ra trong thu hút FDI.Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định, doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của Việt Nam trong thời gian tới. Cần làm gì và cần có cơ chế, chính sách gì để FDI thực hiện thành công sứ mệnh này tại Việt Nam? GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ với Nhadautu.vn về vấn đề này.

Giáo sư đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của nước ta hiện nay?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Thành tựu to lớn trong việc thu hút và sử dụng FDI do đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể chế, luật pháp từng bước được hoàn thiện, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm ngày càng cao, môi trường đầu tư và kinh doanh cải thiện, hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ được coi là nhân tố quan trọng nhất, chính sách thu hút FDI được điều chỉnh phù hợp với xu hướng mở cửa theo "nguyên tắc cùng có lợi".

Nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam như KOTRA, JETRO, AMCHAM, EUROCHAM đánh giá cao quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp cận với thông lệ quốc tế. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế  (OECD) về FDI khu vực Đông Nam Á nhận định: "Việt Nam đã khá nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho FDI phát triển hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và giờ đây Việt Nam là một trong những thị trường có ít rào cản về chính sách đối với FDI trong ASEAN".

Chúng ta ghi nhận ý kiến của người nước ngoài về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, cũng cần thực sự cầu thị đánh giá đúng các điểm nghẽn về thể chế, luật pháp, chính sách thu hút và sử dụng FDI để ứng phó với các thách thức không nhỏ từ bên ngoài và trong nước, tận dụng cơ hội khi thực hiện 15 FTAs thế hệ mới, khi vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định "chưa bao giờ được như hiện nay".

Giáo sư có thể nói rõ hơn, đâu là những thách thức lớn nhất từ bên ngoài?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine cùng với các biện pháp trả đũa giữa Mỹ, EU và Nga, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc kéo theo xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng, làm cho môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu thay đổi đáng kể. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, động lực cho dòng vốn đầu tư năm 2023 thiếu tính bền vững, các dự án FDI mới sẽ không mang tính ổn định; dòng vốn đầu tư chảy vào các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, khá ít dự án FDI vào nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe con người, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

UNCTAD dự báo FDI toàn cầu năm 2023 tiếp tục suy giảm với ba xu hướng chủ đạo:

Một là điều chỉnh chính sách FDI

Mỹ đã giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp như năng lượng, ô tô, nhôm, thép, áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Các nước EU thúc đẩy kinh tế "tự chủ chiến lược" thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Nhật Bản và Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba.

Hai là sàng lọc FDI

Các nước tiếp tục tăng cường nhiều biện pháp chính sách sàng lọc FDI nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược thoát khỏi sự thâu tóm của nước ngoài. Điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với nhiều bộ quy tắc sàng lọc FDI đa dạng và phong phú của các nước, làm cho họ cảm thấy bất ổn và cẩn trọng hơn.

Ba là tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm

Trong giai đoạn 2007 - 2018, tỷ suất lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp FDI tại các nền kinh tế phát triển chỉ đạt từ 4,0% đến 6,7%, tại các nền kinh tế đang phát triển từ 11,5% năm 2011 xuống còn 7,8% năm 2018, là nguyên nhân FDI vào các nước đang phát triển có xu hướng giảm mạnh hơn so với các khu vực khác.

Khi miếng bánh FDI toàn cầu nhỏ hơn thì thị phần dành cho Việt Nam cũng ít hơn, điều đó đã được phản ánh tình hình thu hút FDI 5 tháng đầu năm nay. Tính đến 20/5/2023, vốn FDI thực hiện đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8%, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.

Thu hút FDI đang đối mặt với nhiều thách thức lớn

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Điều đó cho thấy, thu hút FDI của nước ta đứng trước những thách thức lớn?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Đúng vậy! Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư quốc tế ngày càng gay gắt; Ấn Độ và Indonesia có những lợi thế hơn Việt Nam về lao động có tay nghề với giá nhân công thấp, quy mô thị trường lớn, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ khá phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Trong khi thể chế, luật pháp, chính sách có liên quan đến FDI của Việt Nam thiếu tính ổn định, minh bạch, dễ dự đoán, thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, Quy mô của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, vốn tích lũy không nhiều, chậm đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, do đó rất hạn chế trong sản xuất và kinh doanh theo phương châm đổi mới, sáng tạo; chưa có hệ thống đường bộ cao tốc, vẫn duy trì đường sắt khổ hẹp, vận tốc thấp, đường thủy nội địa chưa được phát triển.

Cuộc cải cách nền hành chính quốc gia tuy đã thu được kết quả đáng khích lệ, nhưng lực cản cải cách khá lớn vì đụng chạm đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, điển hình là tình trạng giấy phép con không giảm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức vẫn làm việc theo tập quán cũ "hành là chính", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thu hút FDI đang đối mặt với nhiều thách thức lớn

Vậy để khắc phục những nhược điểm trên đây cần có giải pháp gì thưa Giáo sư?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, luật pháp theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề ra, đó là: "Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các Trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

Quốc hội cần cải tiến quá trình xây dựng luật pháp để rút ngắn thời gian, khắc phục các nhược điểm đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Các Ủy ban của Quốc hội cần lập những Tổ tư vấn gồm chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn và pháp lý đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, đã về hưu nhưng còn đủ sức khỏe và trí tuệ hỗ trợ các Ủy ban trong quá trình thẩm tra các luật do Chính phủ trình, tự xây dựng luật theo chương trình hàng năm của Quốc hội, với phương thức mới sẽ tận dụng được tài sản trí tuệ của trí thức Việt Nam, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp và kịp thời điều chỉnh luật pháp trong bối cảnh mới của thế giới và Việt Nam.

Một vấn đề có tính thời sự, đang được sự quan tâm của các TNCs lớn như Samsung, LG, Intel, Toyota, Honda là cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, có liên quan không chỉ thu ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn là môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta khi nhiều nước sẽ thực thi từ đầu năm 2024; nếu Việt Nam chậm hơn thời gian đó thì tác động tiêu cực đối với nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại nước ta và nhà đầu tư tiềm năng giảm lòng tin đối với Chính phủ ứng phó kịp thời, có hiệu quả các vấn đề chung của thế giới, nhất là từ các nước OECD dự định đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giáo dục và khoa học công nghệ.

Từ nay đến đầu năm 2024 chỉ còn hơn 7 tháng, nhưng quá trình xây dựng luật của Quốc hội mất khá nhiều thời gian, do đó Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tập hợp ý kiến của các chuyên gia kiến nghị 9 vấn đề cần nghiên cứu để có phương án trình Chính phủ và Quốc hội, trong đó kiến nghị Quốc hội thực hiện xây dựng luật theo trình tự rút gọn, Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay có Nghị quyết giao cho Chính phủ ban hành Nghị định liên quan đến thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam từ đầu năm 2024. Sau đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan theo hướng tiếp cận quy định của OECD về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ hai, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đề ra việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế số, doanh nghiệp số và xã hội số, đòi hỏi phải đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI theo hướng chọn lọc nghiêm túc hơn, không những coi trọng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế FDI.

Chính phủ đã phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố, Ban Quản lý KKT, KCN thẩm định và cấp phép dự án FDI (trừ thăm dò, khai thác dầu khí, ngân hàng, tài chính), do đó, Chính quyền địa phương cần chú ý tuyển chọn cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn của các bộ phân có liên quan đến FDI để lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, công nghệ; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, giảm thiểu thủ tục và thời gian thẩm định, hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án.

Thứ ba, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây Nhà nước đã đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường cao tốc, giao thông đô thị, cảng biển, cảng hàng không; tuy vậy do hệ thống đường sắt vẫn duy trì tình trạng lạc hậu nên gây ra mất cân đối giữa các phương tiện vận chuyển, quá tải các sân bay. Do đó kiến nghị Đảng và Nhà nước đẩy nhanh quá trình nghiên cứu Dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam để có thể khởi công vào đầu năm 2026, xây dựng trong vòng 10 năm để nắm 2035 đưa vào vận hành toàn tuyến.

Tiến hành xây dựng hạ tầng logistics, hạ tầng thông tin và viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số thì cần rất nhiều vốn đầu tư.

Do vậy, cần: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, vận hành hạ tầng năng lượng như phát triển mạng lưới điện thông minh với khả năng phát điện phân tán từ nhiều điểm phát điện.

Xây dựng kế hoạch triển khai Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025 để đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp và thực hiện kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.

Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng, kết hợp tối đa với hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư.

Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách, các văn bản quy định và thực hiện một loại các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc công khai thông tin công mở tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đang triển khai các đầu mối dữ liệu như cổng đăng ký doanh nghiệp, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, cổng thông tin đấu giá tài sản.

Để nâng cấp đồng bộ và hệ thống chính sách FDI thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các cơ quan và đơn vị cấp dưới, các chuyên gia nhiều lĩnh vực nhằm phát huy hết tiềm năng và lợi ích của dữ liệu mở đối với các mặt trong đời sống kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn Giáo sư!

: