Chính vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh: “Lao động có việc làm là để ổn định xã hội, là động lực cho phát triển kinh tế. Cho nên chúng ta cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI; đặc biệt là chọn lọc các dự án chất lượng cao.” Thành công trong thu hút các dự án mới Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhận định năm 2015 là năm khá thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đều tăng so với năm trước là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong thu hút FDI có sự tăng trưởng đột phá của một số dự án như dự án của Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỷ USD; tiếp đến là dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng; dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. "Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn cho đất nước kể cả về vốn, tăng trưởng GDP, xuất khẩu," Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,578 tỷ USD, bằng 99,6% so với năm 2014. Có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,18 tỷ USD, tăng 56,5% so với năm 2014. Tính chung cả năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 22,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,47 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,84 tỷ USD, chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư, Đài Loan (Trung Quốc) vươn lên vị trí thứ tư với số vốn đầu tư là 1,39 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư. Tương tự, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong năm 2015 đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2014 và chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng lao động đã sử dụng lên tới khoảng 3 triệu lao động, chiếm tới trên 20% tổng số vốn của nền kinh tế. Khu vực FDI có tỷ lệ đóng góp GDP lớn ở một số tỉnh thành như: Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Những con số trên cho thấy, Việt Nam đã có một năm thành công trong cả thu hút mới và giải ngân vốn FDI. Điều này chứng tỏ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên. Tăng tiềm lực nội lực cho kinh tế Việt Nam Việt Nam hiện đang có những thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược cho các Tập đoàn đa quốc gia cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư để bỏ vốn vào Việt Nam. Những yếu tố này, Việt Nam được coi như là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận việc khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. “Chỉ hai dự án của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã tạo động lực tăng trưởng cho các tỉnh phía Bắc,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, FDI vẫn là thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam. Bộ trưởng dẫn chứng, “Chúng ta thấy rằng, chỉ cần 1 dự án như Samsung Thái Nguyên đã thu hút hơn 200.000 lao động, đây là con số khổng lồ. Thu hút FDI đang tạo ra hàng triệu lao động, để ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế cho nên chúng ta vẫn phải ủng hộ doanh nghiệp FDI.” Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần chọn lọc các dự án chất lượng cao và “xốc nách” doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên. Để tăng cường thu hút các dự án FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất... Và để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2016 và những năm tới, xu hướng sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý... để áp dụng vào thực tế và tăng tiềm lực nội lực cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục vận động các doanh nghiệp FDI chất lượng cao đầu tư vào Việt Nam để phát triển kinh tế đất nước và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Đặc biệt, từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước để kết nối hai bộ phận doanh nghiệp này hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao,” Bộ trưởng khẳng định./.Thúy Hiền (Vietnam+)