Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Ông Nguyễn Văn Toàn Gần đây còn xuất hiện những dự án có quy mô rất nhỏ chỉ vài trăm nghìn USD. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường sống ổn định và thuận lợi, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc. Rất nhiều nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp của Hàn Quốc sau khi hết nhiệm kỳ công tác đã quay trở lại Việt Nam để mở các công ty dịch vụ cung cấp tư vấn về chính sách đầu tư thuế, kết nối kinh doanh... cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc. Điều này cho thấy nhà đầu tư Hàn Quốc có ý định sinh sống và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.- Sự gia tăng của những dự án quy mô nhỏ đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Nhưng những dự án "li ti" phải được nhìn nhận dưới góc độ khác. Chẳng hạn, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam, điều này cho thấy "phổ dự án" đầu tư của Hàn Quốc là rất lớn, bên cạnh những dự án hàng chục tỷ USD như Samsung, LG... còn có rất nhiều dự án có quy mô rất nhỏ được đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đa phần những dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông thời gian tới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì như thế nào?
- Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển hướng thu hút đầu tư, tập trung vào dòng vốn FDI đến từ lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn hay từ những tập đoàn đa quốc gia... Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo tinh thần này, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chương trình hành động và giải pháp thực hiện như cải thiện môi trường đầu tư, thành lập Tổ công tác thu hút FDI... để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, đón làn sóng FDI thế hệ mới. Tuy vậy, đến thời điểm này, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Làn sóng FDI chất lượng cao từ EU chưa chảy mạnh vào Việt Nam. Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vẫn chưa có hiệu lực khi nhiều quốc gia thuộc EU chưa phê chuẩn và vẫn trong giai đoạn chuẩn bị. Một số tập đoàn kinh tế hàng đầu đã đến khảo sát song vẫn chưa ra quyết định đầu tư. Tiềm năng thu hút FDI ở phân khúc cao là rất lớn nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khai phá ban đầu.
Thưa ông, đâu là khó khăn, thách thức trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
- Chúng ta hiện đang có lợi thế trong kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, cùng với đó, việc ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng mang lại nhiều cơ hội trong thu hút FDI từ nước ngoài. Nhưng thách thức cũng rất nhiều khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong thu hút FDI chất lượng cao. Với quy mô GDP gấp ba lần, Indonesia sẽ là điểm đến khiến nhà đầu tư nước ngoài lưu tâm. Trong khi đó, với việc sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao và có tay nghề, Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng là thị trường hút các tập đoàn công nghệ.
Chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới?
- Ngoài cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi, bổ sung một số chính sách mới cho phù hợp với bối cảnh, Việt Nam cần phải có những động thái mạnh mẽ để tạo ra sự đột phá trong thu hút FDI. Theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ba điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Muốn thu hút FDI, chúng ta phải sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án "khủng". Nhưng điều đáng lưu ý vào lúc này là tình trạng sốt đất khu công nghiệp. Điều này sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài lo lắng vì khoảng chênh lệch giữa giá khảo sát với giá thực tế khi triển khai dự án sẽ bị nới rộng. Do đó, sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng ta phải tính tới việc giữ ổn định giá đất khu công nghiệp trong giai đoạn ít nhất từ 3-5 năm để đảm bảo hoàn tất cho một thương vụ đầu tư.
Thông thường, từ giai đoạn nghiên cứu, khảo sát tới đầu tư cũng mất khá nhiều thời gian. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics bất hợp lý. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á, các khâu vận chuyển, đóng gói, làm thủ tục... tại Việt Nam vừa đắt đỏ hơn, vừa chậm trễ hơn so với vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Và cuối cùng, để "hoà nhập" vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, chúng ta phải có loạt doanh nghiệp đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. Do không đáp ứng được yêu cầu nên nhà đầu tư nước ngoài đã kéo doanh nghiệp từ bản địa hoặc từ quốc gia thứ ba sang Việt Nam hoặc thậm chí từ quốc gia khác nhảy vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Đây là bất lợi đối với doanh nghiệp Việt. Điều này dẫn đến hiệu quả thu hút FDI sẽ thấp vì giá trị gia tăng không cao. Nhà đầu tư chỉ tập trung tận dụng môi trường đầu tư của Việt Nam để thu lợi thay vì những giá trị gia tăng khác.
Hiện nhu cầu thuê đất khu công nghiệp hay nhà xưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, đẩy giá thuê đất tại các khu công nghiệp bật tăng. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc hút vốn FDI không thưa ông?
- Giá thuê bất động sản tại khu công nghiệp không chỉ tăng mà còn tăng liên tục sẽ tác động sức hút FDI của Việt Nam. Nhiều dự án chắc chắn sẽ điều chỉnh số liệu đầu vào so với khảo sát ban đầu khi chi phí thuê bất động sản tăng mạnh. Theo đó, nhà đầu tư phải thay đổi hàng loạt chỉ tiêu khác để có thể đạt mục tiêu đề ra khi đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, nếu Việt Nam không theo dõi chặt chẽ, không ổn định giá thuê đất khu công nghiệp ở mức hợp lý, thì chúng ta đang tự đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút FDI. Tuy chi phí thuê đất khu công nghiệp tăng, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định tới khả năng thu hút FDI của Việt Nam. Những điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, chi phí nhân công, chính sách ưu đãi... để xác định giá trị tiềm năng của thị trường, giá trị lâu dài của Việt Nam vẫn sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hải quan Online