Thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản: Hướng tới các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường

15/7/2023  
269

Là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng thứ hai chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo, trong thời gian tới thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản sẽ hướng tới đảm bảo các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường, hướng tới phát triển các khu đô thị thông minh; thành phố thông minh…

Thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản: Hướng tới các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường Quang cảnh Hội thảo. (ảnh: Nhadautu)

FDI bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI tại Việt Nam Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) - Bộ KH&ĐT cho biết, lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

"Hội thảo là cơ hội quý báu để các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam trực tiếp trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện dự thảo hai đạo Luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm đưa Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng hy vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm kênh thông tin để nhìn nhận, đánh giá về tiềm năng, xu hướng thị trường BĐS cũng như cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường BĐS tại Việt Nam…” (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn)
 

Trong đó, đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, dẫn đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án: Công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; Thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam,...

 

Thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản: Hướng tới các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam" do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hôm 13/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Hai dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22/5 - 23/6/2023, đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến thông qua vào Kỳ thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023. “Đây là hai đạo Luật có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Việc sửa đổi, hoàn thiện hai đạo Luật lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và BĐS, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và BĐS tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, các chính sách mới khi được thông qua cũng sẽ giúp thị trường BĐS của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và các nhà ĐTNN. Sẽ thu hút có chọn lọc Khẳng định việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực BĐS giúp đa dạng hóa các loại hình BĐS tại Việt Nam, như BĐS công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe…, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT cho rằng bên cạnh những thuận lợi đó, một số dự án BĐS có vốn ĐTNN vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội.

 
Thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản: Hướng tới các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường Rất nhiều nhà ĐTNN quan tâm đến thị trường BĐS ở Việt Nam

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về thị trường BĐS chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời; Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; Tín dụng BĐS và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ. “Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực BĐS trong thời gian tới…” - Lãnh đạo Cục ĐTNN khẳng định. Đồng thời cho biết, với chủ trương định hướng thu hút ĐTNN có chọn lọc theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, việc thu hút ĐTNN trong lĩnh vực BĐS trong thời gian tới cần hướng tới cần hướng tới đảm bảo các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường, hướng tới phát triển các khu đô thị thông minh; thành phố thông minh, BĐS công nghiệp hướng tới mô hình chuyển đổi sinh thái…

Đâu là giải pháp ? Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, theo đạo diện Cục ĐTNN, trước hết Việt Nam cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình BĐS mới (thành phố thông minh, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế. Cần chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường BĐS. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS. Đặc biệt, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Không thể có môi trường đầu tư thuận lợi mà chỉ có chính sách ưu đãi… Tại Hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN (VAPIE) đã nêu một thực tế: Một người nước ngoài đầu tư 500 triệu USD xây dựng khách sạn cho thuê, sau đó có quyền chuyển nhượng và khi xây dựng Chính phủ cấp đất cho họ, khách sạn tồn tại 50 năm thì đất đai được sử dụng 50 năm. Và khi họ chuyển cho ai đó thì chuyển luôn cả quyền sử dụng đất. Trong khi, một ngôi nhà chỉ vài trăm nghìn USD lại phải bàn lên bàn xuống là có cho sử dụng đất hay không… Theo ông, không thể có môi trường đầu tư thuận lợi mà chỉ có chính sách ưu đãi. “Môi trường đầu tư thuận lợi chính là tạo môi trường cho nhà đầu tư, các chuyên gia... của họ sinh sống…” - Chủ tịch VAPIE nhấn mạnh.
Nguồn: baophapluat.vn
 

 

: