Thu hút FDI: Việt Nam không còn là “ngôi sao sáng”

24/12/2016  
101

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm. Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch & đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,49 tỷ USD chỉ bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, tính đến ngày 20/10/2012, vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,81 tỷ USD, tăng 12,3%, vốn đăng ký mới 6,68 tỷ USD, giảm 36,7%. Có 881 dự án được cấp mới, bằng 86% so với cùng kỳ, 359 lượt dự án tăng vốn bằng 97,3%.

Tiếp tục “hụt hơi”

Phần lớn các dự án FDI trong năm nay thuộc diện vừa và nhỏ. Chỉ một dự án bất động sản trên tổng số 881 dự án có vốn đầu tư trên một tỷ USD. Số dự án có giá trị từ 10 triệu USD trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo và bất động sản.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,92 tỷ USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 936,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang có xu hướng rút bỏ dần khỏi các dự án bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng qua, họ chưa tham gia vào một dự án bất động sản nào, thậm chí 4 dự án gần 1 tỷ USD tại TP.HCM, Long An và Ninh Thuận đã bị thu hồi hoặc rút vốn.

Những lý do được nêu ra để lý giải cho sụt giảm này vẫn là do tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến dòng vốn FDI trên thế giới sụt giảm. Thực tế, các lợi thế về lao động rẻ, giá thuê đất rẻ ở Việt Nam không còn ghi điểm với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các rào cản về cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, giải phóng mặt bằng... tiếp tục là những trở ngại lớn. Bên cạnh đó, những bất ổn liên tiếp của kinh tế vĩ mô cũng khiến nhà đầu tư giảm bớt niềm tin.

"Bất ổn của kinh tế vĩ mô, lạm phát cao, tham nhũng và quan liêu hành chính vẫn tiếp diễn. Các nhà đầu tư châu Âu đang tăng cường tìm kiếm các điểm đầu tư khác trong khu vực Đông Nam Á, nên Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực”, đó là chia sẻ thẳng thắn của Giám đốc Điều hành EuroCham - Paul Jewell tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây.

Trên thực tế, Chính phủ đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng và hạ mức lạm phát một cách quyết liệt. Tuy nhiên, nếu những biện pháp này không được thực thi triệt để, nhanh chóng và đồng bộ thì nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua thu hút vốn FDI là điều không thể tránh khỏi.

Giữa lúc đó, thông tin Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan), nhà thầu gia công của Apple, quyết định chọn Indonesia để đầu tư dự án 10 tỉ USD với công suất lắp ráp hơn 3 triệu sản phẩm/năm, khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại và đặc biệt khiến Việt Nam phải chạnh lòng.

Indonesia - Điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á

Lý do Foxconn đưa ra quyết định này là nhằm tận dụng lợi thế của một trong những thị trường lao động rẻ nhất châu Á cùng khu vực miễn thuế gồm hơn 600 triệu người đối với các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ. Foxconn cho hay, tỉ suất sinh lời từ các nhà máy sản xuất iPhone và iPad của Tập đoàn này tại Trung Quốc trong quý I năm nay chỉ đạt 0,9% so với mức 39% của Apple tại Mỹ.

Tháng 7/2012, đại diện Bộ Công nghiệp và Đầu tư Indonesia đã sang Đài Loan để thuyết phục Foxconn đưa dự án này về Indonesia. Khi đó, họ đã đưa ra nhiều hứa hẹn ưu đãi, đặc biệt về thuế. Chính phủ Indonesia công bố chính sách miễn giảm thuế 10 năm nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực viễn thông, chế tạo máy và công nghệ cao. “Dự án là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Indonesia trong chiến lược nâng cấp nền kinh tế từ gia công sản phẩm thô sang sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao”, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan khẳng định.

Indonesia đang trở thành điểm đến FDI ngày càng hấp dẫn hơn các nền kinh tế khác ở Châu Á. Nước này đã thu hút được 5,89 tỉ USD vốn FDI, tăng 32% so với cùng kỳ 2011. Theo A.T. Kearney, “khi giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp không còn là điểm mạnh nữa. Nhà đầu tư sẽ cần nhiều hơn thế. Indonesia có lợi thế về tốc độ tăng trưởng nhanh, thị trường lớn và tài nguyên thiên nhiên dồi dào...

V. Hưng/TGVN

: