Thu hút vốn FDI: Cần bao nhiêu cho đủ?

23/12/2016  
63
Tại cuộc hội thảo Tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 9/4, hầu hết ý kiến từ các chuyên gia kinh tế đều cho rằng FDI tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được hết những tác động tích cực. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, nếu không có FDI kinh tế Việt Nam cũng sẽ phát triển nhưng không thể phát triển như hôm nay. Đồng thời, ông Hoàng cũng dẫn chứng số liệu tăng trưởng dòng vốn FDI được thể hiện qua vốn cam kết, vốn giải ngân trong thời gian vừa qua và mục tiêu năm 2015. Tuy nhiên, TS.Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) lại cho biết, nhiều nước không có FDI nhưng vẫn có tốc độ phát triển tương đối lớn. Ông Phương dẫn chứng trường hợp của Trung Quốc với vốn FDI chỉ chiếm 3-4%, Thái Lan chiếm 10% trong khi tại Việt Nam đang chiếm từ 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. "Mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào FDI là quá lớn, quá rủi ro", ông Phương nhấn mạnh. Ngắt lời TS. Lê Quốc Phương, TS. Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương) nói, con số trên tại Singapore là 50% song ông Phương cũng lý giải "Singapore có chính sách quản lý tốt hơn". Tiếp sau đó, ông Phương cũng phân tích, trong xuất khẩu, FDI đang chiếm 70%, do đó không ai khác, chính doanh nghiệp FDI hưởng lợi. Sản xuất công nghiệp khối FDI cũng chiếm tới 60%, nhiều ngành gần như tuyệt đối. Xuất siêu cũng phụ thuộc FDI. "Mức độ phụ thuộc này tôi băn khoăn và thấy đáng lo ngại. Tôi không phủ nhận mặt được của FDI nhưng cũng nhìn vào vấn đề này để cân nhắc", ông Phương bày tỏ. Theo đó, ông Phương cho biết, Việt Nam hội nhập WTO, không hạn chế xu hướng FDI chuyển từ liên doanh sang 100% vốn nước ngoài nên có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp nước ngoài "thâu tóm" doanh nghiệp trong nước bằng các thủ thuật khác nhau. Lưu bản nháp tự động

Chủ tọa hội thảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam. Ảnh:Tâm An

"Chúng ta nói FDI là bộ phận không tách rời nhưng thực chất FDI có lợi ích của họ và không phải lúc nào lợi ích của FDI cũng đồng nhất với lợi ích của Việt Nam. Khi lợi ích trùng nhau là win -win, nhưng nhiều trường hợp không đồng nhất. Họ có lợi ích, lợi nhuận của họ, họ vào Việt Nam vì họ và nhiều trường hợp ta thiệt", ông Phương nêu quan điểm. Ông Phương cho rằng, trong vấn đề này Việt Nam nên học hỏi mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, gần như không dựa vào FDI thay vào đó, 2 quốc gia này quan niệm đi vay nợ để phát triển. Có mặt tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng Ban Thông tin Doanh nghiệp và Thị trường (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cũng cho rằng, vốn FDI đã đem lại "bộ mặt khác" cho kinh tế Việt Nam song ông Hoàng cũng chỉ ra nhiều hạn chế mà dòng vốn FDI tạo ra. Cụ thể, ông Hoàng cho biết, ngoài chuyện chuyển giá, việc doanh nghiệp FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có gas, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa... đã tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. “Các công ty đa quốc gia phát triển mạnh trong 1 số lĩnh vực với lượng vốn lớn, công nghệ mạnh đã đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực ra khỏi thị trường. Số doanh nghiệp có tầm kiểm soát ngành trên đã làm méo mó thị trường”, ông Nguyễn Huy Hoàng nhận xét. TÂM AN
: