Theo số liệu 11 tháng năm 2018 từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư.
TS. Phan Hữu Thắng: 'Dòng vốn của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019'
Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) về định hướng thu hút dòng vốn FDI từ Nhật Bản cũng như các nước khác trong thời gian tới. Ông đánh giá thế nào về dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian qua? TS. Phan Hữu Thắng: Rất mừng là trong năm 2018, Nhật Bản đã trở lại vị trí đứng đầu sau 1 số năm. Tính tổng thể chung cuối năm 2017, Nhật Bản đứng thứ 2 trong đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam, sau Hàn Quốc. Nhưng đến năm 2018, Nhật Bản đã trở lại vị trí đứng đầu, đa dạng hóa các dòng vốn đầu tư và đi vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu 2 vấn đề cần hoàn thiện hiện nay là khuôn khổ pháp lý cho hình thức đầu tư PPP và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư rất quan trọng và quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam. Đến nay ngoài các hướng đầu tư truyền thống như sản xuất, đã chuyển dần sang lĩnh vực như dịch vụ tài chính, ngân hàng và đặc biệt đối với việc phát triển bất động sản, những năm vừa qua Nhật Bản cũng có những động thái theo xu hướng tăng lên. Trong năm 2018, Nhật Bản đã đặt vấn đề những dự án về xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, vì họ cũng đã nhìn ra được khó khăn hiện nay của Việt Nam khi xây dựng nhà ở cho lực lượng lao động hết sức đông đảo là người lao động Việt Nam trong các khu công nghiệp. Theo ông, dòng vốn FDI từ Nhật Bản có ý nghĩa như thế nào đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam? TS. Phan Hữu Thắng: Thực ra vấn đề này chúng ta đã nói rất nhiều lần, trong đánh giá tổng kết đã nói rằng đây là nguồn vốn hết sức quan trọng trong các lượng vốn FDI trong suốt hơn 30 năm vừa qua. Chất lượng về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản rất cao và chúng ta đã phải thừa nhận Nhật Bản là nhà đầu tư nghiêm túc nhất, tuân thủ luật pháp chính sách, tôn trọng văn hóa và đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam. Vì thế, bên cạnh việc đầu tư nghiêm túc, nhà đầu tư Nhật Bản sống rất hài hòa với xã hội Việt Nam và cho thấy rằng phù hợp về cả định hướng đầu tư cũng như phù hợp với cách sống, văn hóa của người Việt. Tôi cho rằng, vốn đầu tư của người Nhật luôn luôn có một ý nghĩa hết sức đặc biệt quan trọng. Thêm vào đó, Nhật Bản là đất nước phát triển có vai trò vị thế trên trường quốc tế. Nếu chúng ta hay nhắc đến kinh tế các nước phương Tây, sau Mỹ là đến Nhật Bản. Rõ ràng, Nhật Bản với sự hiện diện rất lớn và đầu tư nhiều ở Việt Nam cho thấy sức ảnh hưởng lớn của họ. Thứ nhất, là đóng góp thiết thực vào việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mặc dù trong những năm vừa qua có những lúc họ xuống vị trí thứ hai. Tuy nhiên, dòng vốn thực hiện của Nhật Bản bao giờ cũng là cao nhất. Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn FDI từ Nhật Bản, theo ông chúng ta cần phải làm gì trong thời gian tới? TS. Phan Hữu Thắng: Có nhiều việc cần phải làm, có những vấn đề tổng thể và cụ thể. Các vấn đề cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Vĩnh Phúc vừa qua đã thấy rõ. Vấn đề tổng thể chúng ta phải nói đến 5 động lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng, thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực và vừa rồi tại hội nghị Phát triển Việt Nam vào ngày 5/12, Thủ tướng có bổ sung thêm 2 động lực mới là đổi mới và sáng tạo trên cơ sở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân. Thực ra, bốn động lực đó đã rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của chúng ta trong việc thu hút ĐTNN trong hơn 30 năm qua và đây cũng là thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thủ tướng Chính phủ đã rút ra những kết luận đó và bổ sung thêm hai động lực mới, đó là những điều theo cá nhân tôi là cực kỳ then chốt. Vì thế, bất kể ở trung ương hay địa phương cần phải có đánh giá tổng kết từng lĩnh vực cụ thể. Cái để chúng ta có thể tiếp tục phát triển thời gian tới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bên cạnh hoàn thiện và tận dụng lợi thế cả năm động lực đó thì hai động lực Thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung là đổi mới sáng tạo trên cơ sở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cái hết sức quan trọng. Trong giai đoạn trước chúng ta nhằm đến điện tử, ô tô, xe máy… là cốt lõi của sự phát triển công nghiệp, nhưng hiện nay nền tảng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải có đổi mới sáng tạo trên cơ sở nền tảng công nghiệp đó. Bởi công nghiệp 4.0 đã hiện diện rõ ràng, trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu Việt Nam không đổi mới sáng tạo theo nền tảng công nghiệp 4.0 thì chúng ta sẽ không thể có bước nhảy vọt khỏi chính chúng ta. Thứ hai, kinh tế tư nhân (KTTN) hết sức quan trọng. Trong thực tiễn của một thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của KTTN Việt Nam và việc phát triển KTTN là định hướng hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển kinh tế của thế giới. Do đó, trong giai đoạn tới trên cơ sở đánh giá và nghiên cứu lại sự phát triển và hình thành của KTTN trong thời gian vừa qua, chỉ rõ những nguyên nhân thành công và tại sao hiện nay chúng ta có những tập đoàn tư nhân phát triển như vậy và tại sao còn các doanh nghiệp tư nhân khác đa số không thành công? Hơn nữa, phong trào khởi nghiệp hiện nay đang hết sức sôi động. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, tập trung hoàn thiện thể chế để thu hút ĐTNN không chỉ riêng Nhật Bản mà còn từ các nước khác trên thế giới vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng tốt đẹp. Ông dự báo dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo thế nào? TS. Phan Hữu Thắng: Với thành công của Nhật Bản trong đầu tư vào Việt Nam trong hơn 30 năm qua, kể từ khi luật ĐTNN ra đời vào năm 1987, dù trong hơn 30 năm qua việc thu hút ĐTNN cũng có những thăng trầm. Tuy nhiên, xu thế đầu tư của Nhật Bản về cơ bản là ổn định và đúng theo định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Vì thế, trong năm 2019 với đà tăng trưởng và phát triển đầu tư của Nhật Bản năm 2018 vừa qua, cũng như dự báo xu thế cho thấy rằng, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2019 so với 2018 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Mặc dù, có thể vừa qua nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích về những bối cảnh không thuận của cuộc chiến tranh thương mại, lợi thế của Việt Nam và thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở là đối tác toàn diện, hiệu quả và sâu rộng thì xu thế đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tới. Xin cảm ơn ông!