Vắng siêu dự án, vốn FDI “hụt hơi” trong quý I/2015

24/12/2016  
98

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, theo các báo cáo nhận được, tính riêng từ đầu năm 2015 đến 20/3/2015, cả nước có 267 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,21 tỷ USD, bằng 59,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Đồng thời, có 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 621,12 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong quý I/2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,837 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý này, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên do không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vẫn giảm so với cùng kỳ.

Về vốn thực hiện, trong quý I/2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,05 tỷ USD, tăng 7% với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong quý I/2015 dự kiến đạt 25,08 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực FDI quý I/2015 đạt 23,09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong quý I/2015, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,98 tỷ USD.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong quý I/2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 115 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,4 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 38 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 123,36 triệu USD.

Trong quý I/2015, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,05 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

BritishVirgin Islands  đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 351,59 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,36 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 28 tỉnh thành phố, trong đó, TP. HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 540,24 triệu USD, chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 235,21 triệu USD, chiếm 12,8%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 140 triệu USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2015:

- Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP. HCM với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. - Dự án Công ty TNHH KMW Việt Nam tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam với mục tiêu sản xuất sx thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng. - Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 90 triệu USD dự án này do nhà đầu tư Hồng Kông với mục tiêu sản xuất các loại áo lót và quần lót nữ. - Dự án Công ty TNHH Vina Nam Phú tại TP.HCM đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, do nhà đầu tư Singapore liên doanh với Công ty CP Kiến Thịnh và Công ty CP Tư vấn Bất động sản Bi Vi; dự án được đầu tư với số vốn là 60,9 triệu USD.

VŨ MINH

: