Vì sao FDI từ Hàn Quốc là quan trọng?

23/12/2016  
96

Gần một tháng trước, đích thân ông Shin Dong Bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã có chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy tiến trình triển khai Dự án Khu phức hợp Thành phố Thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City). Dự án này do Lotte cùng với 3 nhà đầu tư khác của Nhật Bản triển khai, với vốn đầu tư dự kiến là 2,2 tỷ USD.

Là một dự án bất động sản - tức là không hẳn thuộc lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, song nếu xét về quy mô và tính chất dự án, đặc biệt lại nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm - khu vực được TP.HCM thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ mà chưa tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược, thì Eco Smart City đang được TP.HCM trông đợi rất nhiều.

Cũng tương tự, nếu nhìn vào các dự án quy mô lớn gần đây mà Samsung, LG, Posco, Hyundai, Lotte… đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án này đã tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã theo chân Samsung, LG để đặt đại bản doanh tại Việt Nam.

“Các dự án này đã tạo cơ hội lớn biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng trên toàn cầu. Họ đã tạo được các động lực tăng trưởng cho khu vực kinh tế phía Bắc”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nhận định và cho biết, chỉ một doanh nghiệp như Samsung đã giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động Việt Nam và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam khoảng 30 tỷ USD.

Điều quan trọng hơn, vị chuyên gia này lấy dẫn chứng về việc Hàn Quốc đã viện trợ cho Việt Nam xây dựng Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIS), cũng như cam kết chuyển giao hơn 100 công nghệ nguồn và hỗ trợ Việt Nam xây dựng vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ để chứng minh vai trò to lớn của đồng vốn từ Hàn Quốc.

“Hãy nhớ, Viện Khoa học ứng dụng Hàn Quốc là một trong những nhân tố quan trọng đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu về công nghệ. Sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc trong chuyển giao công nghệ nguồn, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cộng thêm dòng vốn FDI không ngừng chảy từ quốc gia này vào Việt Nam sẽ góp phần rất lớn để Việt Nam tiến lên công nghiệp hóa”, GS. Nguyễn Mại nói và nhấn mạnh, FDI của Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với định hướng mới của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI.

Cho tới thời điểm này, có lẽ không còn phải nghi ngờ về vai trò cũng như tiềm năng của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam, bởi lũy kế đến tháng 11/2015, đã có 44 tỷ USD từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí, nếu tính cả các khoản đầu tư từ các nước thứ ba, thì con số này có thể lên tới trên 50 tỷ USD (theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Tốc độ và quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, thuế quan đối với nhiều dòng sản phẩm giảm mạnh, nên sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định.

Một kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2015 cho biết, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đã khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Thậm khí, khi “đặt lên bàn cân” với các đối thủ trong khu vực, như Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế hơn hẳn. Chẳng hạn, Myanmar chỉ là thị trường mới nổi, kém về cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư lớn. Còn Thái Lan gần đây đã trở thành thị trường du lịch trọng điểm, hơn là đầu tư, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rút khỏi đây...

“Việt Nam là quốc gia đang phát triển mở nhất khu vực ASEAN. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Việt Nam sẽ là quốc gia ASEAN (không phải đảo quốc) duy nhất cùng tham gia TPP và có Hiệp định FTA với EU”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Chỉ có một câu chuyện được lưu ý, đó là nỗi lo phụ thuộc vào dòng vốn FDI từ Hàn Quốc trong bối cảnh FDI của các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... suy giảm, đồng thời việc thu hút FDI từ các nước G7 như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia... chưa có tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, GS. Nguyễn Mại cho rằng, điều này là “không cần thiết”. “Bây giờ không phải là lúc hạn chế thu hút FDI, mà thậm chí phải tăng cường. Tại sao lại phải hạn chế đối với một động lực quan trọng đang thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển?”, GS. Nguyễn Mại đặt câu hỏi và cho rằng, với FDI từ Hàn Quốc cũng vậy, điều quan trọng là lựa chọn dự án phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam.

Nếu nhìn trên góc độ này và xét về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian sắp tới, như công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG, cùng các doanh nghiệp vệ tinh); phân phối, bán buôn, bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart); tài chính - bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha...); năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như KEPCO, Doosan, Samsung,

Taekwang...); dầu khí - hóa chất (GS, SK, Samsung...); nông nghiệp - trồng trọt (CJ)..., thì rõ ràng, không phải quan ngại cả về số lượng và chất lượng dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam.

Nguyên Đức

: