Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE đưa ra 3 chỉ báo cho thấy nền kinh tế chưa sẵn sàng đón sóng FDI mới.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Ngọc Hà.
Trao đổi với Người Đồng Hành, GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết Việt Nam, đặc biệt là các địa phương chưa sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư FDI mới trong xu hướng dịch dòng vốn đầu tư và đa dạng hóa thị trường đến từ các tập đoàn đa quốc gia hậu Covid-19.
Ngược lại, Việt Nam có gần 800.000 doanh nghiệp, trong đó có vài chục nghìn đơn vị sẵn sàng đầu tư một dự án có quy mô 40-50 tỷ đồng. Ngoại trừ ngành dịch vụ, những dự án công nghiệp nhỏ như vậy mà cũng thu hút nhà đầu tư nước ngoài hay sao? “Điều này chứng tỏ các địa phương không quan tâm đến việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, không quan tâm đến việc làm thế nào để kích thích doanh nghiệp trong nước mà bất chấp ai đến và cần thì đều cấp chứng nhận đầu tư”, ông Mại nói.Ông Mại phân tích, điều này thể hiện ở 3 điểm trong bức tranh thu hút FDI 4 tháng đầu năm.
Trước tiên, quy mô dự án cấp mới quá nhỏ. Nếu trừ đi dự án đầu tư điện khí LNG tại Bạc Liêu có suất đầu tư 4 tỷ USD thì tổng vốn đăng ký mới chỉ còn lại gần 2,8 tỷ USD, chia cho số dự án còn lại thì quy mô mỗi dự án là 2,1 triệu USD. Ngoài ra, số liệu công bố của Sở Kế hoạch & Đầu tư cho thấy Hà Nội thu hút được 252 dự án với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD. Như vậy, mỗi dự án có suất đầu tư chỉ hơn 1 triệu USD.
Câu chuyện đáng nói thứ hai là M&A. Từ 2017, M&A là xu hướng rất tốt, phải kể đến thương vụ giữa Sabeco và nhà đầu tư Thái gần 5 tỷ USD. Vingroup bán hơn 6% cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc và nhận về 1 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm hoạt động này chỉ đạt hơn 34% so với cùng kỳ và quy mô của mỗi lượt góp vốn, mua cổ phần cũng rất nhỏ, khoảng 770.000 USD. Một phần của tình trạng này là do thị trường chứng khoán biến động nhưng mức ảnh hưởng không đủ lớn để tới hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Đây là vấn đề cần phải lưu ý trong thời gian tới và cần có chủ trương, chính sách điều hành về hoạt động chứng khoán cho phù hợp.
Điểm thứ ba là Việt Nam vắng bóng các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai như AI, Bigdata, Blockchain... theo định hướng chiến lược thu hút FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
4 tháng đầu năm, Việt Nam thiếu vắng những dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Tẩt cả những điểm vừa nêu cho thấy Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội mà dòng dịch chuyển FDI mang lại.
Trước đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) lại cho rằng Việt Nam sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới hậu dịch Covid-19. Ông Hoàng phân tích trước hết là việc cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được các bộ, ngành, địa phương ưu tiên và thực hiện rốt ráo. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật như đất đai, đường xá và hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề, cán bộ quản lý cấp cao cũng đã có kế hoạch để sắp xếp và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Bộ Lao động thương binh & xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia và tham vấn.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác như tiếp cận, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư hiệu quả nhằm tạo sự hấp dẫn và giữ chân nhà đầu tư lâu dài cũng đã có những giải pháp cụ thể. Các nhà đầu tư sẽ được nhận những điều kiện, chế độ ưu đãi phù hợp trong khuôn khổ pháp luật quy định. Đồng thời, những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động quản lý đầu tư cũng được Bộ Kế hoạch tham mưu sửa đổi tại Luật Đầu tư sửa đổi đề phù hợp với thực tiễn, tình hình mới.
Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng trong quá trình này Việt Nam vẫn luôn cải thiện mình và các nước trong khu vực đều như vậy. Trong bối cảnh thế giới luôn có những thay đổi, vì vậy chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng phải điều chỉnh và linh hoạt.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng lưu ý, không phải tự nhiên mà Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư trong cuộc đua giữa các nước trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt. Bên cạnh những lợi thế vốn cố về chính trị, tăng trưởng kinh tế ổn định trong một thời gian dài, nên kinh tế hội nhập sâu rộng, thị trường gần 100 triệu dân... thì công tác phòng chống dịch thời gian qua đã một lần nữa chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn. Những yếu tố vốn có và yếu tố mới này hòa quyện vào nhau tạo niềm tin cho dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam.
4 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 984 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 12,3 tỷ USD, 335 lượt tăng vốn với hơn 3 tỷ USD và 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá gần 2,5 tỷ USD và vốn giải ngân đạt gần 5,2 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 20/4, đã có gần 32.000 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 373 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Theo Ngọc Hà