Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI chất lượng cao từ Hoa Kỳ

16/9/2023  
289
Việc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn bậc nhất thế giới.Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10-11/9. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, nhà lãnh đạo Việt Nam - Hoa Kỳ đã thống nhất nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Các chuyên gia đánh giá cao việc nâng cấp mối quan hệ này và cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi, đón làn sóng đầu tư mới từ Hoa Kỳ... Tuy nhiên, để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam cũng còn nhiều việc phải làm.

Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI chất lượng cao từ Hoa Kỳ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 10/9. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Làn sóng FDI chất lượng sẽ xuất hiện

Trao đổi với Nhadautu.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện.

Kể từ năm 1994 - thời điểm Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, trải qua gần 30 năm, kim ngạch thương mại 2 chiều chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao, từ mức khoảng 450 triệu USD lên 124 tỷ USD (năm 2022).

Hoa Kỳ nhiều năm là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI chất lượng cao từ Hoa Kỳ
Các nhà đầu tư nước ngoài hay kêu ca các doanh nghiệp trong nước làm ăn kinh doanh không nhất quán. Điều này vô hình chung làm cản trở trong các quyết định thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, bởi lòng tin, chữ tín là điều quan trọng đối với họ

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Về đầu tư, tính đến nay, Hoa Kỳ đứng thứ 11 về quốc gia đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 11,8 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 8. Nhìn chung, các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam, do đó, đây là cơ hội của nước ta.

"Trước đây, về phía Hoa Kỳ thì thị trường Việt Nam không quá hấp dẫn với họ. Còn đối với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường rất lớn, nhất là xuất khẩu. Có thể thấy, chúng ta cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần chúng ta", TS. Hiếu nói và cho rằng, việc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện là rất quan trọng.

Theo vị chuyên gia này, việc nâng cấp quan hệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đơn cử như việc Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn hoặc sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ…

"Dòng vốn FDI từ Hoa Kỳ chắc chắn sẽ "chảy" vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là các công ty về công nghệ cao như chất bán dẫn hay lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo AI. Ngoài ra, lĩnh vực môi trường cũng sẽ thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, những công nghệ sẽ giúp cho chúng ta đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết", TS. Hiếu cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, trên thế giới có 3 thị trường lớn là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam đang xuất khẩu rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ là xuất siêu.

Thị trường Hoa Kỳ rất khó tính khi các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này đều mất rất nhiều thời gian. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ khi đầu tư vào nước nào đó cũng rất thận trọng và phải được Chính phủ nước này đảm bảo. Không phải Việt Nam không hấp dẫn mà doanh nghiệp Hoa Kỳ họ thận trọng. Hiện, Việt Nam là điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ là chưa nhiều, cũng mới chỉ có Intel.

Vì vậy, việc nâng cấp quan hệ lần này sẽ đưa kinh tế 2 chiều tăng lên rất mạnh. Thứ nhất, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều trong xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp đã, đang xuất khẩu vào thị trường này cùng các mặt hàng mới có giá trị gia tăng.

"Thị trường Hoa Kỳ rất lớn, cả thế giới muốn bán hàng vào quốc gia này. Nhưng để bán được cần phải có sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn. Do đó, chúng ta phải tận dụng lợi thế trong mối quan hệ lần này", TS. Hiển nêu rõ.

Thứ hai, Việt Nam rất cần các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ và trên thế giới đầu tư. Bởi các doanh nghiệp FDI lớn sẽ tạo ra nhiều giá trị, chuyển giao công nghệ và tạo nên sự kết nối với doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng.

Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI chất lượng cao từ Hoa Kỳ
Việt Nam rất cần các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ. Bởi các doanh nghiệp FDI lớn sẽ tạo ra nhiều giá trị, chuyển giao công nghệ và tạo nên sự kết nối với doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng

TS. Đinh Thế Hiển

"Chúng ta hay nói, các doanh nghiệp FDI vào khu công nghiệp mới chỉ là doanh nghiệp trung gian chưa phải là doanh nghiệp hàng đầu thì nhân cơ hội này chúng ta sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng, điện tử, chuỗi cung ứng…", TS. Hiển nói và cho rằng, Việt Nam sẽ có làn sóng FDI chất lượng cao.

Từ đó, cũng giúp chúng ta tạo ra việc làm cho nguồn nhân lực có kỹ thuật, tạo ra tầng lớp lao động trung, cao cấp, có thu nhập cao. Đồng thời, các doanh nghiệp của Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng sẽ trực tiếp hơn thay vì thông qua các doanh nghiệp nước ngoài.

Hành lang pháp lý cần thông thoáng hơn

TS. Hiển nhận định, chúng ta thấy cơ hội là rất lớn, tuy nhiên, cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ nhất là muốn thu hút "đại bàng" thì hạ tầng của chúng ta phải thuận lợi. Năm nay, kế hoạch đầu tư hạ tầng của Việt Nam đang được đẩy mạnh nhưng rất cần sự hiệu quả, thiết thực để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, về nguồn nhân lực. Chúng ta đang mở rộng theo chiều rộng khi có nhiều trường đại học với chỉ tiêu tăng cao nhưng lại thiếu rất nhiều các trường kỹ thuật chất lượng. "Chúng ta không nhất thiết phải có các trường đại học về kỹ thuật, có thể trình độ cao đẳng nhưng phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi họ đầu tư vào", TS Hiển cho hay.

Thứ ba, thị trường tài chính phải ổn định, các hệ thống tài chính cũng cần nâng tầm để chuẩn bị cho cơ hội này.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chú trọng chuyển đổi xanh khi đó sẽ có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng. Ngược lại, các doanh nghiệp chậm chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể bị đào thải.

Còn TS. Hiếu nhận định, để nắm bắt thời cơ, Việt Nam cần phải thay đổi nhiều vấn đề, giống như khi tham gia các hiệp định thương mại. Song song là câu chuyện thể chế, hành lang pháp lý của Việt Nam cần thông thoáng hơn, không chồng chéo nhau để thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Hiện, rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ "ngại" đầu tư vào Việt Nam chính là hành lang pháp lý chồng chéo. Ở Hoa Kỳ, hành lang pháp lý rất chặt chẽ nhưng ở Việt Nam, các luật của chúng ta còn chồng chéo nên phải thay đổi.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, một trong những điều quan trọng khi làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài đó chính là chữ tín và sự nhất quán trong các quyết định.

"Các nhà đầu tư nước ngoài hay kêu ca các doanh nghiệp trong nước làm ăn kinh doanh không nhất quán. Điều này vô hình chung làm cản trở trong các quyết định thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, bởi lòng tin, chữ tín là điều quan trọng đối với họ. Do đó, chúng ta cũng cần phải cải thiện vấn đề này", TS. Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn: Nhàđầutư
: