Thông tin mới nhất mà phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn có được, đến trung tuần tháng 1, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 30 triệu USD.
Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, với số vốn đăng ký 25,6 triệu USD. Theo tìm hiểu, đây là dự án liên doanh giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) và Wilmar International Limited (Singapore) chuyên sản xuất các loại nước chấm và gia vị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cũng liên quan đến dự án này, thông tin tại lễ ký kết hợp tác thành lập liên doanh cách đây hơn 2 tháng, đại diện của Saigon Co.op cho biết, doanh nghiệp này hiện đang sở hữu thương hiệu “Con mèo đen” với các sản phẩm nước tương, nước chấm, tương ớt và tương cà. Các sản phẩm này được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, hiện đang được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Canada và châu Âu. Trong khi đó, đại diện của Wilmar cho rằng, với việc đầu tư nhà máy mới sẽ tận dụng thế mạnh từ 2 phía và nâng cao sức cạnh tranh và độ phủ của thương hiệu cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành hàng nước chấm và gia vị.
Dự án thứ hai là của Công ty cổ phần Nippon Paper Việt Hoa Mỹ (liên doanh Nhật Bản – Việt Nam) tại KCN Tân Phú Trung. Với vốn đầu tư 4,4 triệu USD, dự án này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy. Đáng chú ý, sản phẩm làm ra là các loại cốc, chén, khay đựng… bằng giấy có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã cấp phép cho một dự án có vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Đó là dự án của Công ty United More (Malaysia), dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 13 ha, có mục tiêu hoạt động là sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao, công suất khoảng 12 triệu sản phẩm/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, một đại diện của Hepza cho biết, năm 2016, Hepza có kế hoạch thu hút 700 triệu USD vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM (các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm). Cũng theo Hepza, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tại các khu công nghiệp của TP.HCM trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, điện tử… đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư để đón những cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia. Trong đó, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đã thực hiện tăng vốn đầu tư trong thời gian gần đây.
Tuy kết quả mà Hepza đã thu hút cho đến thời điểm này chưa cao, nhưng thời gian gần đây, qua việc các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư đã cho thấy, nhiều khả năng sẽ có dòng vốn lớn “cập bến” trong năm nay. Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đang khẩn trương triển khai các thủ tục để có thể triển khai một dự án có quy mô vốn lớn, có thể lên tới vài trăm triệu USD tại các khu công nghiệp của TP.HCM. Nếu suôn sẻ, dự án này có thể được cấp phép trong vài tháng tới.
SHTP đề ra chỉ tiêu thu hút 250 triệu USD vốn FDI trong năm nay. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban SHTP, các dự án được cấp phép vào SHTP phải đáp ứng các tiêu chí của dự án công nghệ cao và phải cam kết thực hiện nghiêm túc hoạt động R&D, hỗ trợ chuỗi cung ứng nội địa… sẽ khiến khó tạo nên một làn sóng đầu tư như năm 2015, nhưng sức hấp dẫn của việc tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu sau khi Samsung triển khai dự án tại Sài Gòn Silicon vẫn có thể tạo nên “những con sóng nhỏ”.
Hồng Sơn(Báo Đầu tư)