Vốn FDI thấp nhất 4 năm: Trọng chất hay “có vẫn hơn không”?

24/12/2016  
80

Trong bức tranh các chỉ số kinh tế Việt Nam nửa chặng đường của năm 2015, chỉ số thu hút vốn FDI sụt giảm mạnh, ở mức thấp nhất kể từ 2012. Bài toán được – mất trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam cùng những lo toan, trăn trở của nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế sẽ chưa có hồi kết.

Để cán đích 23 tỷ USD, cần dự án vốn “khủng”

Số liệu mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại cuộc họp giao ban tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy, tính đến 20/6/2015, cả nước ta có 757 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,83 tỷ USD, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 6 tháng qua là 281 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 1,65 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI thấp nhất 4 năm: Trọng chất hay “có vẫn hơn không”?

Tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm và cả năm từ 2012-2015

Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước đó, thu hút FDI 6 tháng đầu năm của các năm 2012 đến 2014 lần lượt là 6,384 tỷ USD, 10,473 tỷ USD và 6,85 tỷ USD. Như vậy, vốn FDI vào nước ta 6 tháng đầu năm nay ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Nhưng năm 2015 này, theo kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, tổng vốn thu hút được có thể tới 23 tỷ USD.

Với mức kỳ vọng này, rõ ràng kỳ tích trông chờ vào 6 tháng cuối năm. Bởi nhìn tổng vốn FDI tính chung cả năm từ 2012-2014 cho thấy, dòng vốn FDI vào nước ta 6 tháng cuối thường cao hơn đầu năm (năm 2012, 61% vốn FDI có được ở nửa cuối năm; năm 2013 là 51,9%; năm 2014 là 66,1%). Song năm nay, áp lực rất nặng vì tới thời điểm này, so với kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ KHĐT, hiện vốn FDI thu được nửa năm mới đạt khoảng 23,8%.

Do đó, để đạt con số 23 tỷ USD cho cả năm 2015, còn 76,2% vốn trông chờ vào 6 tháng cuối năm. Cho dù diễn biến dòng vốn FDI vào nước ta sẽ nghiêng về nửa cuối năm như các năm trước thì riêng năm 2015 này áp lực lớn hơn do nửa đầu năm số vốn đạt được giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Cho nên, tổng vốn thu hút năm nay chỉ có thể cán đích kỳ vọng nếu có được các dự án lớn với số vốn đầu tư tăng đột biến vào các tháng còn lại.

Trọng chất FDI hay “có vẫn hơn không”?

Không chỉ sụt giảm về vốn, dòng FDI vào nước ta vẫn chưa có xu thế mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua mấy năm gần đây khi trong số hơn chục lĩnh vực có đầu tư FDI, dòng vốn chủ yếu chảy mạnh vào 3 lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn bán lẻ, sửa chữa.

Hơn nữa, nhiều tác động tiêu cực từ dòng vốn này tới nền kinh tế đã nhãn tiền và được nhiều chuyên gia cảnh báo. Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng trốn thuế, lậu thuế bằng chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, nhập thiết bị đã qua sử dụng, công nghệ lạc hậu…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý rằng, “không nên lấy ưu đãi từ nguồn thuế của dân, tài nguyên quốc gia để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. Cách làm đó là lấy của người dân nghèo chia cho nhà giàu”. Bà Lan đề nghị: “Cần khuyến khích những doanh nghiệp FDI có thể chuyển giao công nghệ, sáng tạo, lan tỏa sang nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đừng tiêu chí hóa mời gọi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam theo kiểu chỉ chú trọng vào vốn đầu tư”.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tác động tiêu cực đi theo dòng vốn FDI vào nền kinh tế nước ta giống như “mặt trái của tấm huy chương” và diễn ra khắp toàn cầu, bởi vì doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, theo ông Mại, dù có nhiều tác động tiêu cực, nhưng dòng vốn FDI vẫn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế của đất nước. Vấn đề là, “năng lực của cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý để giảm thiểu tổn thất cho đất nước”.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: "Chúng ta không nên lo lắng FDI chiếm bao nhiêu % trong cơ cấu kinh tế, xuất khẩu… đó là bình thường của thị trường. Khi FDI còn ở đây, Việt Nam còn có lợi. Vai trò của Việt Nam với FDI là phải kiểm soát để FDI tuân thủ luật pháp và ở lại lâu dài với Việt Nam. Nếu họ chiếm 90% xuất khẩu mà để lại cho Việt Nam 100 tỷ đồng thôi cũng tốt hơn là chỉ chiếm 50% mà chẳng để lại gì cho Việt Nam".

Theo VOV

: