"Có nhiều người giật mình cho rằng có vẻ các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng đôi khi những thông tin không có sự phân tích rõ ràng sẽ không thể thấy được vấn đề thực chất", GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần tại Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong 4 năm gần đây.
Trong đó, có tới 3.160 dự án góp vốn, mua cổ phần (với 7,65 tỷ USD đăng ký), gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Các dự án cấp mới, góp vốn mua cổ phần tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 935 lượt góp vốn, đạt trên 5 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 904 lượt góp vốn, với 863 triệu USD.
Theo cơ quan của Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam là 7,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam trong 5 tháng qua.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy và cảnh báo nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy. Theo đó, do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Đặc biệt, do sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời có sự gia tăng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.
Trong cơ cấu vốn đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Hồng Kông dành 3/4 lượng vốn để đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các doanh nghiệp, số vốn đầu tư mới và tăng thêm vào các dự án cũ của nhà đầu tư này chỉ chiếm chưa đầy 1/4.
GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định, việc Hồng Kông đứng thứ nhất về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm có thể khiến nhiều người nhầm lẫn. Bởi con số này đã bao gồm 3,8 tỷ USD từ thương vụ công ty đăng ký ở Hồng Kông của nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần Sabeco (thương vụ đã diễn ra từ cuối năm 2017). Do đó, thực chất vốn của nhà đầu tư Hồng Kông chỉ có hơn 2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, vốn FDI từ Trung Quốc cũng có hơn 2 tỷ USD, trong đó dự án lớn nhất là dự án làm lốp với vốn đăng ký 285 triệu USD.
"Có nhiều người giật mình cho rằng có vẻ các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng đôi khi những thông tin không có sự phân tích rõ ràng sẽ không thể thấy được vấn đề thực chất.
Đúng là Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, đoàn vào rất nhiều, nhưng cũng chưa phải là lúc họ ồ ạt vào Việt Nam. Chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay cũng đang trong giai đoạn đầu và chừng nào Trung Quốc còn cầm cự được thì rõ ràng họ sẽ chú trọng đến các doanh nghiệp trong nước, làm thế nào để kinh tế trong nước tốt hơn. Họ cũng phải chuẩn bị phải đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn nhưng không thể nào không quan tâm đến thị trường trong nước", GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.
GS Nguyễn Mại cho rằng, thái độ đúng nhất đối với Việt Nam đó là quyền lựa chọn. "Chúng ta hay lấy đường sắt Cát Linh làm ví dụ cho đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng sẵn sàng làm những chuyện đó ở Myanmar, Malaysia nhưng khi dự án không hiệu quả họ dừng lại còn chúng ta sau nhiều năm đội vốn, dự án vẫn chưa đi vào sử dụng.
Nếu doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam thì quyền lựa chọn nằm trong tay UBND các tỉnh thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Nếu lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển, lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm năng và ràng buộc chặt chẽ thì chẳng có gì đáng sợ", GS.TSKH Nguyễn Mại khẳng định.