Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài cuối: 'Đánh giá tình hình thực tiễn, tránh gây khó dễ cho các doanh nghiệp'

14/9/2021  
29
 
"Chính phủ và các địa phương nên gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp để thực sự hiểu được tình hình, cũng như vướng mắc mà họ đang gặp phải. Không nên đưa ra các biện pháp máy móc, không thích hợp với tình hình thực tiễn, gây khó dễ cho doanh nghiệp", GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Giữ chân doanh nghiệp FDI - Bài cuối: 'Đánh giá tình hình thực tiễn, tránh gây khó dễ cho các doanh nghiệp'

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh, cũng như khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) để có những nhìn nhận rõ hơn về tình hình cũng như các giải pháp để khắc phục khó khăn, giữ chân doanh nghiệp FDI.

Thời gian vừa qua có nhiều nhận định cho rằng, nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi lại hoạt động kinh doanh sản xuất thì sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI rời đi, Giáo sư đánh giá như thế nào về điều này?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Chuyện các doanh nghiệp lo lắng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh là bình thường. Hiện tại, khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch bệnh chính là TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam. Đây là khu vực chiếm khoảng hơn 70% tổng số vốn FDI vào Việt Nam từ xưa tới nay.

 

Khi khu vực này bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư nước ngoài rất lo lắng. Năm nay, ngành dệt may kỳ vọng quay lại mức kim ngạch xuất khẩu năm 2019 (trước dịch COVID–19) là 39 tỷ USD, song nay đã phải điều chỉnh lại mức 31 tỷ USD. Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó có sự gia nhập của khá đông các doanh nghiệp FDI, qua đó chúng ta cũng đã thấy rất rõ được tác động tiêu cực của dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc các doanh nghiệp FDI có ý định rời khỏi Việt Nam hay cắt giảm các hoạt động kinh doanh sẽ không xảy ra.

Như chúng ta đã biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 là bao trùm cả thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. So với nhiều nước trong khu vực, tình hình tại Việt Nam vẫn đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Nếu nói không thể xảy ra 100% là không đúng, vì vậy chúng ta vẫn phải cảnh giác, không được chủ quan, qua đó đánh giá tình hình khách quan và sớm đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp FDI. Theo tôi, thứ nhất, khi đưa ra biện pháp liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Chính phủ và các địa phương nên gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến, suy nghĩ của các vị lãnh đạo công ty để thực sự hiểu được tình hình, cũng như vướng mắc mà họ đang gặp phải. Không ai có thể hiểu được thực tế bằng chính các chủ doanh nghiệp, thậm chí là tình hình dịch bệnh tại đơn vị của họ. Do đó, chính quyền không nên đưa ra các biện pháp máy móc, không thích hợp với tình hình thực tiễn, gây khó dễ cho các doanh nghiệp. Như ngay tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi quy trình cấp giấy đi đường. Tôi mong rằng Chính phủ sẽ làm tròn nghĩa vụ để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải đẩy mạnh, giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đặc biệt không được làm ảnh hưởng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Câu chuyện thứ hai tôi muốn nhắc đến đó là các doanh nghiệp rất mong muốn được tiêm chủng đầy đủ, trong đó nhiều đơn vị muốn tự nhập khẩu vaccine để đảm bảo an toàn cho lao động của họ, duy trì được nhịp sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường ngoại giao vaccine để sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi được tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vậy, Chính phủ cũng cần sớm có sự điều chỉnh về hoạt động trong phân vùng. Nếu các doanh nghiệp, nhân lực tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vùng xanh thì chúng ta nên tạo điều kiện, cấp giấy đi đường, để họ tiếp tục kinh doanh sản xuất. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh, cả người mua - người bán đều ở trên địa bàn "vùng xanh" và đã tiêm vaccine thì có thể mở ra hoạt động trước. Vùng xanh phải cho hoạt động trở lại chứ vùng xanh mà như vùng đỏ, vùng cam vẫn "ai ở đâu ở yên đó" thì vùng xanh để làm gì.

Cuối cùng, tôi nghĩ đến sẽ là câu chuyện nguồn nhân lực lao động. Thời gian vừa qua, khi dịch bệnh tại TP.HCM và một số tỉnh diễn biến phức tạp, một lượng lớn lao động đã trở về địa phương, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu hụt người lao động. Do đó, trong những giai đoạn cuối của dịch bệnh và khi kiểm soát được COVID, Chính phủ và các địa phương cũng nên hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp sớm có lại được lượng lao động cần thiết nhằm phục hồi công suất sản xuất kinh doanh. Tôi muốn nhắc lại rằng, Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư trong nước, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, một thị trường tiềm năng để phát triển. Vì vậy, mọi thứ lúc này sẽ diễn biến ra sao phụ thuộc vào hành động của Chính phủ, hi vọng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc giữ chân, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI là một chuyện, song Việt Nam vẫn cần phải làm gì để thu hút thêm nữa các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện tại, qua đó tạo bước đà để phục hồi kinh tế hậu COVID?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng số dự án FDI mới vào Việt Nam vẫn được duy trì, không sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Tuy nhiên, yếu tố mà chúng ta quan tâm sẽ không phải là số lượng, mà phải là chất lượng. Việt Nam rất muốn có một số thay đổi cơ bản về doanh nghiệp FDI, nhưng trong 8 tháng qua điều này chưa thể thực hiện được. Về cơ bản, chúng ta cần thu hút được những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, big data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… Dù vậy, tình hình thực tiễn vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Và muốn thay đổi được chất lượng dự án FDI, như Nghị quyết 50 đã nhắc đến, là phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Ngoài ra cần đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm hỗ trợ những bước đầu cho các nhà đầu tư, chúng ta phải cung cấp những thông tin mà họ cần, chứ không phải là những thông tin đại trà mà chúng ta đang có. Việc chọn lọc thông tin để cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài là câu chuyện từ xưa đến nay mà chúng ta vẫn nói, nhưng chưa thể làm được nhiều. Bên cạnh đó, tôi muốn lưu ý rằng các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam đang chủ yếu tập trung từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần đa dạng hoá cách thức tiếp cận, tận dụng ưu thế của các hiệp định để thu hút thêm các nhà đầu tư, các dự án FDI chất lượng đến từ EU và Mỹ.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nguồn: Nhàđầutư

 

: