GS. Nguyễn Mại: “Thu hút FDI giống như việc kén rể”

24/12/2016  
20

Thưa Giáo sư, tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài năm 2014 ở Việt Nam đã diễn ra thế nào?

Muốn nhìn lại năm 2014, không thừa nếu điểm lại quá khứ. Trước thềm làn sóng đầu tư FDI thứ hai trong giai đoạn 2005 – 2008, thì hoạt động này sụt giảm nghiêm trọng. Từ năm 1999 – 2004, mỗi năm vốn đăng ký chỉ vào khoảng hơn 3 tỷ USD.

Đến năm 2005, vốn đăng ký bắt đầu vươn lên đến 8 tỷ USD. Sang đến năm 2008 thì con số này đạt đỉnh tại 72 tỷ USD, có thể được coi là một bước ngoặt so với làn sóng thứ nhất.

Nhưng sang giai đoạn 2009 – 2013, vốn đăng ký lại tụt xuống còn khoảng 15 – 18 tỷ USD. Đến năm 2014, vốn đăng ký vọt lên gần 22 tỷ USD, không tăng quá nhiều so với năm 2013, nhưng cũng đánh dấu sự khởi sắc trong một giai đoạn mới, có thể nói là nền tảng cho làn sóng đầu tư thứ ba.

Đặc điểm của làn sóng đầu tư này là chất lượng FDI cao hơn nhiều. Các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Nokia, Microsoft, LG, Panasonic, Canon, Intel… thâm nhập Việt Nam và triển khai dự án lớn rất nhanh.

Vậy đâu là những yếu tố chi phối hoạt động đầu tư nước ngoài trong năm 2015?

Chắc chắn đầu tư nước ngoài trong năm 2015 sẽ phát triển hơn năm ngoái.

Hiện giờ có hai yếu tố, một là yếu tố nội tại, hai là ngoại lai. Các yếu tố ngoại lai trên trường quốc tế chưa thể nói trước.

Chính trị thế giới có nhiều căng thẳng như quan hệ Nga – Mỹ, bất ổn Ukraine, ISIS tự xưng… hay thậm chí chính biến tại các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia…

Kinh tế giới cũng đan xen dự báo lạc quan và bi quan.  Hy Lạp có rời eurozone không, hay Nga và EU có tiếp tục trả đũa trừng phạt, cũng như giá dầu thô…

Nhưng ở Việt Nam, yếu tố nội tại hứa hẹn nhiều tiềm năng. Ví dụ khi nói đến các hiệp định như TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, cộng đồng ASEAN,… người ta thường nói đến triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2014, Việt Nam chiếm ngôi vương xuất khẩu sang Mỹ trong ASEAN, vượt mặt cả Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Vì vậy vị thế của Việt Nam khi tham gia vào cộng đồng ASEAN đã khác trước rất nhiều. Đó cũng là lý do Mỹ kết nạp Việt Nam vào 1 trong 12 nước đầu tiên sáng kiến TPP.

Khi gia nhập TPP, thị trường Việt Nam cũng hấp dẫn các nước theo một khía cạnh khác. Ví dụ với Trung Quốc, trước đây nước này tập trung xuất khẩu nguyên liệu vào Việt Nam, nhưng giờ đây họ đang tìm cách đặt hẳn các nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu sang các nước tham gia TPP. Mỹ cũng vậy, Đại sứ Mỹ đã cam kết đưa FDI từ Mỹ lên số 1 tại Việt Nam cũng một phần vì TPP.

Nhắc tới Mỹ, sắp tới Việt – Mỹ kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ, nhưng có vẻ hoạt động đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam chưa đạt hết mức tiềm năng, nguyên nhân do đâu thưa ông?

Có hai loại nhà đầu tư, nhà đầu tư Phương Đông và nhà đầu tư Phương Tây. Người Châu Á coi trọng quan hệ, trong giai đoạn đầu thích liên doanh để dễ bề sử dụng các mối liên hệ sẵn có từ công ty bản địa.

Còn các nước Châu Âu thuộc OECD coi trọng sự minh bạch. Mỹ là nước đứng đầu "thế giới thứ bảy", trong sạch tương đối so với thế giới.

Hiểu đơn giản, minh bạch là khi một câu trong bộ luật được người thực thi phát luật và người chịu thực thi pháp luật hiểu như nhau. Hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa đạt tới mức này.

Thứ hai, các TNC coi trọng bản quyền trí tuệ. Như trường hợp của Microsoft, Thủ tướng chính phủ đã phải cam kết với Bill Gates về một số điều khoản liên quan tới bản quyền tại Việt Nam.

Nếu không cải thiện được điều này, rất khó để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, không chỉ Mỹ mà cả Đức, Pháp, Anh…

Việt Nam đang ưu đãi đặc biệt các TNC như Microsoft hay Samsung, nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam đang bị bóc lột trên chính sân nhà, giáo sư có đồng thuận với điều này?

Cần phải thừa nhận, nhà đầu tư nào cũng muốn kiếm lãi. Mà muốn kiếm lãi nhiều, thì phải cắt giảm lương.

Đương nhiên nước nào cũng muốn dân mình hưởng lương cao. Nhưng cùng là một miếng bánh, phải biết cắn thế nào là vừa đủ.

Thử hỏi nếu lương của công nhân Việt Nam không bằng 1/3, 1/4 lương công nhân Hàn Quốc, sao có thể kéo công ty của Hàn Quốc sang Việt Nam?

Mà giá cả tại Việt Nam tương đối rẻ hơn Hàn Quốc, nên dù thu nhập của nhân công Việt Nam chỉ bằng 1/3 nhân công Hàn Quốc, nhưng sức mua tương đương thì không thua kém.

Thế nên quay lại câu chuyện miếng bánh, anh không có vốn, không có công nghệ, thì anh nên xơi vừa phải thôi.

Nhưng lật lại, sai lầm lớn nhất là khi không lựa chọn kỹ càng các nhà đầu tư để tìm được đơn vị tử tế.

Nhiều nhà đầu tư “rởm” hứa lèo hàng tỷ USD, nhưng xong để đó, rất mất thời gian tiếp đãi, cấp giấy phép…

Thu hút FDI như kén rể. Ông có cô con gái đẹp, trai xếp hàng dài để xin rước. Ông tham tiền mà vớ chàng rể què quặt thì con gái ông khổ thôi!

Tại sao giáo sư lại ví kinh tế Việt Nam trong năm 2015 như “cô con gái đẹp”?

Bởi kinh tế Việt Nam đã đạt được 3 thành tựu đáng ghi nhận. Đầu tiên là ổn định vĩ mô, lạm phát giảm xuống 4,4% trong cả năm, mức tốt bậc nhất lịch sử.

Trong năm 2015, chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát là 5%, nhưng các báo cáo độc lập như HSBC dự đoán tỷ lệ lạm phát chỉ là 3%. Nhiều người cho rằng tỷ lệ này là quá thấp, nhưng thực tế đây là mức lý tưởng mà các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản hướng tới.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế vượt mức dự đoán tại 5,96%, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng cần lưu ý, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1% chỉ là thêm 2 tỷ USD, trong khi tăng trưởng 1% của kinh tế Trung Quốc là 72 tỷ USD, con số này của Mỹ là 160 tỷ USD.

Nên bên cạnh mừng vui vì tỷ lệ tương đối, cần nghĩ xem nỗ lực của cả 90 triệu người để đạt thêm 2 tỷ USD thì đã tương xứng chưa? 0,6% tăng trưởng tương ứng với 1,2 tỷ USD, chỉ bằng 1/8 khoản lãng phí của Vinashin.

Thứ ba, thị trường bán lẻ là điểm sáng trong năm, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2013, tập đoàn bán lẻ số một của Nhật Bản –  AEON – vào Việt Nam và đầu tư khá dè dặt. Nhưng đến cuối năm 2014, kỷ niệm 1 năm siêu thị thứ nhất khai trương tại Tân Bình, thì AEON thống kê doanh thu đạt 45 triệu USD, vượt mọi kỳ vọng.

Trong một cuộc trao đổi với tôi, Chủ tịch tập đoàn này nhận xét Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Đó là nguyên nhân khiến họ thay đổi chiến lược tại Việt Nam: Mở rộng đầu tư lên quy mô 10 tỷ USD trong 10 năm; bên cạnh xây mới sẽ tăng cường mua bán sáp nhập các thương hiệu bán lẻ trong nước.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

LÊ HUYỀN

: