GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Cần sớm ổn định giá thuê đất KCN nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh thu hút FDI'

8/6/2021  
50

GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Cần sớm ổn định giá thuê đất KCN nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh thu hút FDI'

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), tuy giá thuê đất KCN không phải là yếu tố chủ chốt để thu hút FDI, song vẫn phải ổn định giá ở mức hợp lý, qua đó duy trì được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là trước làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Gần đây, giá cho thuê đất tại các KCN đã tăng nhanh theo thời gian. Nhiều chuyên gia cũng như các công ty nghiên cứu thị trường cho rằng, việc tăng giá này có thể khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Hiện tại, nhiều ý kiến cho biết, việc tăng giá thuê đất KCN có thể khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI, giáo sư có cho rằng điều này là hoàn toàn chính xác?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Theo tôi, nhận định này chỉ đúng một phần. Hiện tại, giá thuê đất khu công nghiệp của Việt Nam dù đang có xu hướng tăng, song vẫn thấp hơn so với các khu vực như Thượng Hải, Bắc Kinh hay một số địa phương khác của Trung Quốc.

Trước làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thời gian vừa qua Việt Nam đã rất nỗ lực và thành công trong việc thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp tình hình bất ổn của dịch COVID-19, sự cạnh tranh trong khu vực vẫn là rất lớn. Vì vậy, nếu chúng ta không theo dõi chặt chẽ, không ổn định giá thuê đất KCN ở mức hợp lý, thì rõ ràng là đang tự đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút FDI.

Có thể nói rằng, chi phí đầu tư hạ tầng KCN đang gia tăng một phần tất yếu là bởi giá thành của nguyên vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, giá thuê đất tăng cao. Điều này là không có gì lạ, khi nó cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên tỷ lệ phần trăm gia tăng cần ở một mức hợp lý, tránh trường hợp tận dụng tình hình để đẩy giá, qua đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung tại các KCN.

Bên cạnh đó, việc theo dõi, ổn định giá thuê đất KCN cũng sẽ giúp các địa phương thu hút đươc thêm nguồn vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước, qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động cũng như đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, chi phí thuê đất vẫn không phải là một yếu tố chủ chốt để quyết định kết quả của một dự án đầu tư. Chẳng hạn như các dự án công nghệ cao của Samsung, giá trị mà nó mang lại cho các địa phương là vô cùng lớn, đồng thời sản lượng tại các dự án này cũng có giá trị hàng tỷ USD. Vì vậy, đối với nhiều nhà đầu tư lớn, họ sẽ không quá bận tâm đến việc giá thuê đất tăng lên vài chục phần trăm. Điều mà các nhà đầu tư nhìn vào sẽ chính là tiềm năng của thị trường, giá trị lâu dài, cũng như vị trí của họ tại Việt Nam.

Dù vậy, vẫn phải khẳng đinh rằng, chúng ta cần sớm ổn định lại giá thuê đất KCN, không chỉ để duy trì lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài mà còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Giáo sư có cho rằng xu hướng dịch chuyển sản xuất sẽ thay đổi khi nhiều quốc gia được ví như các công xưởng thay thế là Việt Nam, Ấn Độ đang phải đối phó với dịch COVID-19?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Trung Quốc vẫn luôn luôn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một thị trường rất tiềm năng với hơn 1,4 tỷ dân bên cạnh việc nhu cầu tại hầu hết các ngành, lĩnh vực đều rất cao. Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020, trở thành nước đứng đầu thế giới về FDI.

Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn là điều không thể thay đổi được vì đấy là chính sách của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU. Những chính sách này không chỉ liên quan đến hiệu quả đầu tư về kinh tế mà nó còn phụ thuộc vào quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU đều đang muốn kìm hãm Trung Quốc để nước này không phát triển quá nhanh, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các quốc gia khác, do đó họ đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn trở về. Theo tôi, thời gian đầu đã có ít nhất khoảng 10% các doanh nghiệp trở về hoặc dịch chuyển sang nước thứ ba, và xu hướng này cho đến bây giờ sẽ vẫn không thay đổi.

Một minh chứng rõ ràng nhất chính là việc Tổng thống Joe Biden vừa ký sắc lệnh hành pháp, cấm pháp nhân Mỹ đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện sự cứng rắn với Bắc Kinh và các quốc gia khác cũng lựa chọn điều tương tự. Điều này đang trở thành tín hiệu cho các nhà đầu tư, buộc họ phải sớm thực hiện các nước đi mới nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, Việt Nam tại thời điểm này cần sớm kiểm soát được dịch COVID-19, cũng như không chỉ duy trì các lợi thế vốn có mà chúng ta còn cần phải đẩy mạnh hơn nữa nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Nguồn: Cafef.vn

 

: