GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là đội quân chủ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước'

12/11/2020  
24
GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là đội quân chủ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước'

"Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ngày càng tốt đẹp. Hàn Quốc hiện là đối tác chiến lược đáng tin cậy của Việt Nam, đã hỗ trợ cho Việt Nam về kinh nghiệm và bài học trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nền kinh tế", ông Nguyễn Mại nhận định.

GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là đội quân chủ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước'

GS-TSKH. Nguyện Mại, Chủ tịch VAFIE. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngày 10/11, phát biểu trước các CEO doanh nghiệp Hàn Quốc và thành viên Hội các Trường đại học quốc gia Hàn Quốc, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, quan hệ giữa hai nước đang trở nên ngày càng tốt đẹp trên nhiều phương diện, nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc tuy có cơ cấu khác biệt, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác cùng phát triển.

"Cùng với nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ là đội quân chủ lực trong việc thực hiện chiến lược phát triển của mỗi quốc gia và tăng cường hợp tác giữa hai dân tộc, góp phần vào sự phồn vinh của mỗi nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới", Chủ tịch VAFIE nói.

Đánh giá về dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, hiện nay, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng vốn đăng ký (65 tỷ USD/350 tỷ USD) và vốn FDI thực hiện (45 tỷ USD/235 tỷ USD).

Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Hundai, Lotte,…. đã và đang triển khai các dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại tại Việt Nam, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của thế giới một số mặt hàng như smartphone, máy tính, sản phẩm điện tử gia dụng.

Bên cạnh đó, vài năm gần đây đang diễn ra trào lưu M&A của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Xét về kim ngạch thương mại hai chiều cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Hai nước đang hướng tới kim ngạch thương mại 100 tỷ USD để Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc.

Trong tương lai, quan hệ toàn diện về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ được phát triển mạnh mẽ nhờ vào các thỏa thuận cấp cao về nâng tầm đối tác toàn diện và FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là đội quân chủ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước'

Bàn về giải pháp để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, Chủ tịch VAFIE cho biết, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề ra định hướng, chính sách mới về FDI, thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ tương lai, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Theo đó, phấn đấu khu vực FDI đạt được một số mục tiêu chủ yếu như vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm).

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Đây chính là cơ sở để Việt Nam tiếp tục xúc tiến thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ Hàn Quốc và các quốc gia phát triển.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam trong chiến lược đối ngoại nói chung đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh việc Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam và sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản hồi của các nhà đầu tư Hàn Quốc để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thức đầy đủ tiềm năng và lợi thế của đất nước, quyết tâm của Chính phủ cải cách sâu rộng thể chế và luật pháp, thủ tục hành chính theo chuẩn mực quốc tế để tranh thủ cơ hội tăng cường đầu tư tại Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

"Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp đang đầu tư tại đây quảng bá hình ảnh đất nước và con người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc đối với các nhà đầu tư mới của Hàn Quốc để gia tăng nhanh chóng hơn tốc độ và tỷ trọng FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam", GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Nguồn: Nhàđầutư

: