GS.TSKH Nguyễn Mại: 'Không nên nghĩ đến chuyện cấm Trung Quốc đầu tư, vấn đề là quyền lựa chọn'

29/5/2019  
26
Chia sẻ với Nhadautu.vn, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng không thể có chính sách phân biệt đối xử giữa Mỹ và Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam và cũng không nên nghĩ đến chuyện cấm Trung Quốc đầu tư nơi này nơi khác. Vấn đề là quyền lựa chọn.

GS.TSKH Nguyễn Mại: 'Không nên nghĩ đến chuyện cấm Trung Quốc đầu tư, vấn đề là quyền lựa chọn'  GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang mở ra khả năng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay vẫn có không ít những lo ngại về dòng vốn đầu tư này? Đánh giá của Giáo sư như thế nào? GS Nguyễn Mại: Tư tưởng dè chừng đó của một số người thôi. Đầu tư nước ngoài là đầu tư ra cả thế giới, cũng như doanh nghiệp Việt Nam có tiền đầu tư sang Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia… Theo tôi, vấn đề hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc có 3 vấn đề. Thứ nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến này đã có được khơi dậy từ cách đây 2 thập kỷ, đến thời kỳ ông Obama cũng liên tục xảy ra các cuộc đụng độ. Đến thời ông Trump đã đặt ra khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”, cho nên ông đã đẩy cuộc chiến thương mại đến chỗ căng thẳng nhất. Thực chất, cuộc chiến này chỉ là bề nổi của tảng băng, còn toàn bộ là câu chuyện giữa Trung Quốc và Mỹ trong điều kiện Trung Quốc nổi dậy, thách thức quyền lực của Mỹ trên khắp thế giới. Cho nên cuộc chiến này không chỉ về thương mại, đầu tư, mà còn cả về công nghệ. Vừa rồi, Mỹ đã cấm Huawei và một số tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc hoạt động ở Mỹ và liệt Huawei vào danh sách đen – một động thái ghê gớm khiến Huawei chao đảo trên toàn cầu. Thứ hai là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1995 đến nay, chưa bao giờ quan hệ của Việt Nam và Mỹ lại tốt như bây giờ. Và câu nói vui của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đó là “không ai quảng cáo hàng hoá từ Việt Nam tại thị trường Mỹ tốt bẳng Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Theo ông Trump, trong cuộc chiến thương mại, nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á. Và cũng chưa bao giờ, Mỹ đối xử với Việt Nam từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng tốt như vậy, Mỹ gần như đã bỏ hết lệnh cấm. Trong danh sách các nước mà Mỹ cho rằng đang lạm dụng tỷ giá hối đoái, Mỹ đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách này. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hiện đang rất tốt đẹp và chúng ta phải tìm mọi cách để tận dụng cơ hội này để tăng cường đầu tư giữa hai nước. Thứ ba là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ láng giềng và có những vấn đề rất lớn hiện nay mà có lẽ rất lâu mới giải quyết được là vấn đề biên giới biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là câu chuyện lâu dài. Nhưng đồng thời, Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ láng giềng và đã có quan hệ làm ăn lâu đời nhất so với các nước trong khu vực ASEAN. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác với các động thái từ Trung Quốc nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội, có thể bổ sung cho nhau. Gần đây, có một con số khiến nhiều người nhầm lẫn, đó là Hồng Kông đứng thứ nhất về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 5,2 tỷ USD. Nhưng thực chất trong đó đã bao gồm 3,8 tỷ USD từ thương vụ công ty đăng ký ở Hồng Kông của nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần Sabeco (thương vụ đã diễn ra từ cuối năm 2017). Do đó, thực chất chỉ có hơn 2 tỷ USD thôi. Ngoài ra, vốn FDI từ Trung Quốc cũng có hơn 2 tỷ USD, trong đó dự án lớn nhất là dự án làm lốp với vốn đăng ký 285 triệu USD rồi. Có nhiều người giật mình cho rằng có vẻ các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng đôi khi những thông tin không có sự phân tích rõ ràng sẽ không thể thấy được vấn đề thực chất. Đúng là Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, đoàn vào rất nhiều, nhưng cũng chưa phải là lúc họ ồ ạt vào Việt Nam. Chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay cũng đang trong giai đoạn đầu và chừng nào Trung Quốc còn cầm cự được thì rõ ràng họ sẽ chú trọng đến các doanh nghiệp trong nước, làm thế nào để kinh tế trong nước tốt hơn. Họ cũng phải chuẩn bị phải đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn nhưng không thể nào không quan tâm đến thị trường trong nước. Vì vậy, thái độ đúng nhất đối với Việt Nam đó là quyền lựa chọn. Chúng ta hay lấy đường sắt Cát Linh làm ví dụ cho đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng sẵn sàng làm những chuyện đó ở Myanmar, Malaysia nhưng khi dự án không hiệu quả họ dừng lại còn chúng ta sau nhiều năm đội vốn, dự án vẫn chưa đi vào sử dụng. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam thì quyền lựa chọn nằm trong tay UBND các tỉnh thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Nếu lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển, lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm năng và ràng buộc chặt chẽ thì chẳng có gì đáng sợ. Chúng ta không thể có chính sách phân biệt đối xử giữa Mỹ và Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam. Không nên nghĩ đến chuyện cấm Trung Quốc đầu tư nơi này nơi khác, đó là sai lầm. Vấn đề là quyền lựa chọn, chúng ta hoàn toàn nắm trong tay. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang được đẩy lên đỉnh điểm ở lĩnh vực công nghệ. Theo Giáo sư, cuộc chiến thương mại này có được xem là cơ hội thu hút dòng vốn công nghệ cao của Trung Quốc? GS Nguyễn Mại: Trung Quốc hiện nay đang sở hữu công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Vì sao Mỹ cấm Huawei là câu chuyện chúng ta cần phải suy nghĩ. Trong những doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei, Alibaba đã dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực như công nghệ 5G của Huawei là đứng đầu. Do đó, chúng ta không thể nói các thiết bị của Trung Quốc đều là rẻ tiền, mau hỏng. Đã qua rồi thời kỳ nhìn nhận nền công nghiệp của Trung Quốc với con mắt định kiến trước đây. Vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt Nam là lựa chọn công nghệ nào của Trung Quốc hay các nước khác phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời có giá thành rẻ hơn, chi phí đầu tư thấp hơn, để hàng hóa có giá cả cạnh trạnh. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu, kể cả Việt Nam. Do đó, nếu chúng ta không cảnh giác, không có khả năng chống chịu thì bị ảnh hưởng  là điều chắc chắn. Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã phá giá 7% giá trị đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Câu chuyện phá giá hay không phá giá đồng tiền đã được đặt ra. Tôi cho rằng không nên phá giá. Bởi từ đầu năm 2019 đến nay, chúng ta mới để đồng Việt Nam dao động chưa đến 2%. Ngân hàng Nhà nước cho rằng đủ sức can thiệp để giữa cho đồng Việt Nam trong năm 2019 dao động trong biên độ 2%. Tôi cho rằng đây là câu chuyện đại sự. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phá giá đồng tiền sẽ tăng xuất khẩu, làm cho đồng Việt Nam rẻ hơn, thu hút nhiều đầu tư vào Việt Nam. Nhưng đây chỉ là câu chuyện lý thuyết còn trên thực tế trong 10 năm nay, chúng ta vẫn kiên trì ổn định tỷ giá hối đoái, xuất khẩu cũng tăng mỗi năm 15-17%, đầu tư nước ngoài mỗi năm cũng tăng 10-12%. Do đó, không dại gì mà phá giá đồng tiền. Do đó, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá tiền tệ là điều kiện dứt khoát để đảm bảo nền kinh tế phát triển. Năm 2019 – 2020, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ có khả năng tăng cao hơn, mặc dù cũng có một số ý kiến lo lắng rắng chúng ta mua hàng của Mỹ ít, xuất hàng sang Mỹ nhiều. Thăng dư thương mại Việt Nam – Mỹ trong 5 tháng đầu năm là hơn 20 tỷ USD. Tuy nhiên, trước đây, Trung Quốc với Mỹ thặng dư vào khoảng 20-30 tỷ USD. Vào năm 2005, thặng dự thương mại Trung Quốc – Mỹ vào khoảng hơn 80 tỷ USD. Năm 2015 -2016, con số này là 135 tỷ USD. Thời kỳ ông Donald Trump, thặng dự thương mại Trung Quốc – Mỹ là 455 tỷ USD, lúc này mới có câu chuyện chiến tranh thương mại. Do đó, với Việt Nam, tôi cho rằng không có vấn đề gì lớn phải lo lắng. Mỹ ra lệnh cấm và đưa Huawei vào danh sách đen về công nghệ, trong khi Huawei cũng là một nhà đầu tư lớn với Việt Nam. Chúng ta nên ứng xử như thế nào, thưa Giáo sư? GS Nguyễn Mại: Vấn đề an ninh mạng phụ thuộc vào luật pháp và con người Việt Nam. Hiện nay, có hai cách ứng xử. Nếu Mỹ đang cấm tiệt và loại Huawei ra khỏi quốc gia này thì với Việt Nam, phải tùy thuộc vào tình hình hoạt động của Huawei. Nếu Huawei không vi phạm pháp luật thì các nhà mạng, các công ty trong nước vẫn có thể sử dụng sản phẩm của Huawei. Với cú sốc hiện nay, Huawei có thể thay đổi cách ứng xử. Trong tuyên bố mới đưa ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng Trung Quốc hợp tác với các nước triển khai công nghệ cao để cùng có lợi. Chúng ta chưa bao giờ lên án Huawei tại Việt Nam. Nếu chúng ta có cơ sở chắc chắn trong hợp tác để đảm bảo an ninh mạng thì không có gì là không thể hợp tác. ANH MAI
: