Sự quay lại của các dự án FDI tỷ đô

24/12/2016  
27

Dấu hiệu tích cực hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã được ghi nhận trong tháng 7/2014, khi trong tháng này, dự án tỷ USD đầu tiên của năm nay đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đó là Dự án Samsung Display, chuyên sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao, vốn đầu tư 1 tỷ USD, xây dựng ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh).

Với sự trở lại của dự án tỷ USD, vốn FDI đăng ký mới đã bắt đầu lấy lại “điểm cân bằng”, dù vẫn còn giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,85 tỷ USD.

Tuy nhiên, do vốn tăng thêm giảm khá mạnh, với 300 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn tăng thêm 2,67%, chỉ bằng 53,7% so với cùng kỳ năm 2013, nên tính chung đến ngày 20/7, tổng vốn FDI vào Việt Nam cũng vẫn chỉ bằng 80,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 9,53 tỷ USD.

Ngược lại với xu hướng giảm của vốn đăng ký, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn FDI giải ngân ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Dấu hiệu tích cực hơn của vốn FDI giải ngân đã tiếp tục được ghi nhận, khi các thông tin gần đây cho thấy, liên tục các dự án FDI được khởi công xây dựng.

Dấu ấn lớn nhất cũng đã được ghi nhận ở chính dự án Samsung Display, dự án FDI lớn nhất kể từ đầu năm tới nay. Đó là ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày 2/7/2014, thì Samsung Display đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy trong khuôn viên Khu tổ hợp công nghệ Samsung Bắc Ninh, để đầu năm tới, có thể đưa Nhà máy vào sản xuất thương mại.

Và mới đây nhất, ngày 24/7, Công ty TNHH Jasan Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tất cao cấp tại VSIP Hải Phòng. Dự án có vốn đầu tư 14 triệu USD này do nhà đầu tư Apex Wealth International Limited (Hong Kong) đầu tư và chỉ vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư hồi đầu năm nay.

Trước đó ít ngày, cũng tại Hải Phòng, Knauf, nhà đầu tư Đức, đã bắt đầu việc xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao tấm, với tổng vốn đầu tư 30 triệu Euro. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2015, với khả năng cung cấp 12 triệu m2 tấm thạch cao và 15 triệu mét dài khung xương kim loại mỗi năm.

Cũng tại Hải Phòng, giữa tháng 7/2014, nhà máy sản xuất thiết bị hàng hải, gậy đánh golf và linh kiện cao su giai đoạn II của Công ty TNHH Fujikura Composites Hải Phòng, đưa tổng số vốn đầu tư tăng từ 503.000 USD lên hơn 23 triệu USD. RK Engineering (Công ty TNHH cơ khí RK - Nhật Bản) cũng khánh thành nhà máy thứ hai tại KCN Đình Vũ, vốn đầu tư 14 triệu USD, cách đây chưa lâu.

Gần Hải Phòng, là Hải Dương. Và thông tin từ Ban quản lý KCN Hải Dương cho biết, việc hai dự án May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal, vốn đầu tư 557 triệu USD, đã được khởi công xây dựng tại KCN Lai Vu không chỉ góp phần làm hồi sinh KCN Lai Vu đã 10 năm bị bỏ hoang, mà quan trọng hơn, giúp tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành công nghiệp Hải Dương. Hai dự án này đang được tích cực triển khai và nhờ vậy, vốn FDI giải ngân ở Hải Dương cũng có dấu ấn tích cực hơn.

Trong khi đó, ở miền Trung, giữa tháng 7, De Heus, một tập đoàn đa quốc gia đã bắt tay vào việc xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam. Nhà máy này đặt tại tỉnh Bình Định, với vốn đầu tư 10 triệu USD, công suất dự kiến khoảng 150.000 - 200.000 tấn/năm. Đáng nói là, chỉ trước đó 4 tháng, tức là vào tháng 3/2014, De Heus đã khởi công xây dựng nhà máy thứ 5 của mình ở Việt Nam, đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Các dự án như vậy, khi khởi công xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động, đã góp phần đẩy vốn FDI giải ngân tích cực hơn và tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong bối cảnh hệ thống doanh nghiệp nội đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Đây là những động thái tích cực. Vốn FDI hiện thời được giải ngân trung bình 0,8 - 1,2 tỷ USD/tháng, do vậy, dự kiến năm 2014 và các năm tiếp theo, vốn FDI giải ngân sẽ ở mức 11,5 - 12 tỷ USD/năm. Tốc độ giải ngân này so với nhu cầu bù đắp nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vẫn thấp, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn FDI”, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy tại Hội nghị giao ban FDI với các địa phương phía Bắc, tổ chức hôm 28/7 tại Hải Phòng.

Theo ông Quang, trong tổng số vốn FDI đăng ký lũy kế đến hiện tại đạt trên 240 tỷ USD, thì mới chỉ có trên 117 tỷ USD được giải ngân. Tức là, còn trên 123 tỷ USD nữa vẫn đang chờ để được triển khai và đây là dự địa rất lớn để bổ sung cho tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn FDI lại không thể phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của cấp quản lý trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà phụ thuộc lớn vào khả năng hấp thụ chung của nền kinh tế, cũng như nỗ lực của các địa phương.

“Có 4 yếu tố tác động tới khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI. Đó là hạn chế về hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực thấp; công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng; và vẫn còn rào cản về thủ tục”, ông Quang nhận định và bày tỏ quan điểm rằng, các rào cản này cần được nỗ lực gỡ bỏ, để làm sao đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn FDI đã đăng ký.

Tác giả: Nguyên Đức(Báo Đầu tư)

: